Tin kinh tế - thị trường ngày 30/10/2023: Đã có gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam; Vàng nhẫn lên mức kỷ lục
Đã có gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 10/2023 đạt 1,1 triệu lượt người, tăng 5,5% so với tháng trước và gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Khách đến Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ châu Á với hơn 7,7 triệu lượt người, tiếp đó là khách đến từ châu Âu đạt hơn 1,2 triệu lượt người và khách đến từ châu Mỹ đạt 747 nghìn lượt người.
Gạo tiếp tục thiết lập kỷ lục mới
Từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu bình quân luôn ở mức cao, đạt 553 USD/tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí, có thời điểm giá gạo Việt Nam xuất khẩu lên đến gần 650 USD/tấn.
Hơn 15.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường
Cả nước có hơn 15.400 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10, tăng 21,7% so với tháng 9, với số vốn đăng ký gần 126.000 tỷ đồng, tăng 7,4% và tạo ra 132.000 việc làm, tăng 64,3%.
Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,2 tỷ đồng, giảm 11,7% so với tháng 9 và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 10 tháng qua, cả nước có 131.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký gần 1,2 triệu tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký là 880.000 lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Học phí, giá gạo đẩy CPI tăng nhẹ
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/10 cho thấy, CPI tháng 10 tăng 0,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 10 tăng 3,2% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,59%. Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân CPI tăng trong tháng 10, theo Tổng cục Thống kê, là do chi phí giáo dục và giá gạo tăng. Bình quân 10 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,2%).
Vàng nhẫn lên mức kỷ lục
Giá vàng miếng SJC ít thay đổi vào sáng 30.10, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giữ giá mua vào ở mức 70,15 triệu đồng, bán ra 70,95 triệu đồng; Eximbank mua vàng với giá 70,2 triệu đồng, bán ra 70,7 triệu đồng…
Riêng giá vàng nhẫn 4 số 9 tiếp tục tăng thêm 100.000 đồng/lượng, lên 58,7 triệu đồng, bán ra 59,9 triệu đồng. Giá vàng nhẫn đang tiến sát mức 60 triệu đồng mỗi lượng. Vàng nhẫn đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, tuy nhiên, chênh lệch giữa giá mua và bán cũng tăng lên 1,2 triệu đồng/lượng.
Nợ xấu gia tăng, ngân hàng “ráo riết” thanh lý tài sản thế chấp
Thời gian vừa qua, các ngân hàng liên tục rao bán khoản nợ được thế chấp bằng các bất động sản là tòa nhà, nhà máy, nhà xưởng, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, không dễ để các nhà băng thanh lý những tài sản bất động sản có giá trị lớn trong thời điểm hiện tại.
Trong báo cáo giữa kỳ vừa gửi tới Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023.
Đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...) của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 là 5,22%.