Mở “cao tốc” cho kinh tế tư nhân: Cơ hội lịch sử cần hành động mạnh mẽ
Nghị quyết 68 chắp cánh thương hiệu Việt Quốc hội thông qua loạt chính sách đặc biệt thúc đẩy kinh tế tư nhân “Bộ tứ trụ cột” thể chế: Bệ phóng đưa Việt Nam cất cánh |
![]() |
Mở “cao tốc” cho kinh tế tư nhân: Cơ hội lịch sử cần hành động mạnh mẽ. |
Tư duy “phục vụ lớn” thay cho “quản lý nhỏ”
Nghị quyết 68 đánh dấu một bước chuyển lớn trong tư duy điều hành: từ mô hình “nhà nước quản lý” sang “nhà nước phục vụ”; từ tạo rào cản sang tạo động lực. Bà Bùi Thu Thủy – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) – cho rằng lần đầu tiên nhiều vấn đề then chốt được đề cập thẳng thắn, đặc biệt là việc “không hình sự hóa quan hệ dân sự – kinh tế”.
Đáng chú ý, trong vòng chưa đầy hai tuần sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa các nội dung cốt lõi. Đồng thời, dự thảo nghị quyết của Chính phủ đã được trình với lộ trình triển khai rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ về tốc độ phản ứng chính sách.
Về thuế, một thay đổi lớn là việc chuyển từ hình thức thuế khoán sang kê khai với hộ kinh doanh. Ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế – đánh giá đây là “cuộc cách mạng” trong tư duy quản lý. Khi doanh thu được kê khai minh bạch trên nền tảng số, cơ quan thuế có thể vừa kiểm soát hiệu quả, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời thiết lập mặt bằng cạnh tranh công bằng giữa các hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Thể chế hóa – khâu then chốt quyết định thành công
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – nhận định, một chủ trương dù tiến bộ đến đâu, nếu không được thể chế hóa thì vẫn sẽ chỉ là khẩu hiệu. Ông nhấn mạnh cần sửa đổi, bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh không cần thiết, chồng chéo, gây cản trở cho khu vực tư nhân. Mục tiêu tối thiểu là giảm 30% thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ pháp luật, song thực tế hoàn toàn có thể đặt mức kỳ vọng cao hơn – từ 50% đến 70%.
![]() |
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh TPO |
Ở góc độ pháp lý, ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – đề xuất rà soát Bộ luật Hình sự để loại bỏ những quy định không còn phù hợp với tinh thần phát triển kinh tế thị trường. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện là giải pháp then chốt để giảm gánh nặng pháp lý, chi phí thủ tục và loại bỏ tâm lý sợ rủi ro pháp lý trong giới doanh nhân.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BIM – cho biết cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi sự thay đổi trong các thông tư, nghị định và quy trình phê duyệt dự án. Nếu được phân cấp mạnh mẽ hơn và đơn giản hóa thủ tục, các dự án đầu tư sẽ được triển khai nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và gia tăng hiệu quả kinh tế.
Tư nhân không chỉ chờ đợi mà phải chủ động
Không chỉ Chính phủ, Quốc hội hay các bộ ngành, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng phải chủ động bước ra khỏi vùng an toàn. Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký VCCI – cho rằng doanh nghiệp cần trực tiếp đề xuất, phản ánh bất cập thay vì chờ đợi cơ quan quản lý tự rà soát. “Nếu để nghị quyết mới rơi vào lối mòn cũ, thì cơ hội sẽ lại trôi qua”, ông cảnh báo.
![]() |
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI. Ảnh TPO |
Ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – đề xuất xây dựng một nghị quyết riêng dành cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Nếu đã mở cao tốc, cần mở nhiều làn đường cho các thành phần kinh tế cùng tiến lên, không chỉ cho các tập đoàn lớn”, ông nói. Theo ông, chính sách cần tạo điều kiện để chuyển đổi 5 triệu hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, thông qua hỗ trợ thể chế và hạ tầng số.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung đánh giá Nghị quyết 68 ra đời đúng thời điểm mô hình tăng trưởng cũ không còn phù hợp. Tuy nhiên, nếu không thay đổi cách thức thực hiện – từ hành chính áp đặt sang phục vụ, từ tiền kiểm sang hậu kiểm – thì kỳ vọng sẽ tiếp tục bị kìm hãm. Ông nhấn mạnh: “Muốn cải cách thành công, phải đặt doanh nghiệp và người dân làm trung tâm của chính sách”.
Nghị quyết 68 là cú hích thể chế mạnh mẽ nhất cho kinh tế tư nhân trong hơn ba thập kỷ qua. Nhưng để “cao tốc” phát triển không trở thành hình thức, cần một hệ sinh thái chính sách đồng bộ, một bộ máy thực thi hiệu quả và một cộng đồng doanh nghiệp dũng cảm tiến bước. Cơ hội đã có, vấn đề còn lại là cách chúng ta nắm bắt và hành động.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

VCCI đề xuất không miễn thuế nhập khẩu với hàng thương mại điện tử giá thấp

Gỡ vướng pháp lý, tăng nguồn cung: Thị trường bất động sản cần cú hích thực chất

Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026: Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng

Tín dụng xanh bứt tốc, tăng trưởng hơn 21%/năm

Vì sao nhiều ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng?

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu

Việt Nam tiên phong phát triển lúa gạo phát thải thấp: Động lực mới cho nông nghiệp xanh

Đề xuất trao quyền cho vay đặc biệt 0% lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước

Lãi suất thấp: Động lực cho tăng trưởng kinh tế
