Quốc hội thông qua loạt chính sách đặc biệt thúc đẩy kinh tế tư nhân
![]() |
Các đại biểu Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. |
Nhiều chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp sáng tạo
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026, thay vì ngày 1/7/2026 như đề xuất ban đầu.
Để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi số, nghị quyết quy định Nhà nước sẽ bố trí kinh phí để cung cấp miễn phí các nền tảng số và phần mềm kế toán dùng chung.
Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm đầu, sau đó được giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần hoặc quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Ngoài ra, nghị quyết nêu rõ: Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và kiểm soát thanh tra, kiểm tra
![]() |
Quang cảnh phiên họp. |
Nghị quyết bổ sung các nguyên tắc xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự nhằm áp dụng thống nhất cho mọi doanh nghiệp, tương tự như quy định tại Nghị quyết 164/2024 của Quốc hội.
Nguyên tắc xử lý vật chứng, tài sản phải bảo đảm hiệu quả, kịp thời nhưng không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án.
Việc xử lý cần khắc phục hậu quả thiệt hại sớm, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng nhằm khơi thông nguồn lực phát triển và tránh thất thoát, lãng phí.
Phải bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nghị quyết nhấn mạnh việc phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với dân sự.
Đối với các vi phạm dân sự, kinh tế, cần ưu tiên các biện pháp hành chính, dân sự trước.
Trường hợp pháp luật có thể dẫn tới hoặc không dẫn tới xử lý hình sự thì không áp dụng hình sự.
Nếu phải xử lý hình sự, cần ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, toàn diện, làm căn cứ quan trọng để cơ quan tố tụng quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Không được áp dụng hồi tố pháp luật theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Nếu thông tin, chứng cứ chưa rõ ràng thì phải có kết luận sớm theo quy định của pháp luật tố tụng và công khai kết luận này.
Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Việc niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ án phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tài sản bị tạm giữ, kê biên phải tương ứng với hậu quả thiệt hại dự kiến trong vụ án.
Các biện pháp bảo đảm giá trị tài sản phải được áp dụng hợp lý, có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cần phân biệt rõ tài sản hợp pháp với tài sản, thu nhập từ hành vi vi phạm pháp luật; phân biệt tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền và nghĩa vụ của cá nhân quản lý doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ được thanh tra không quá 1 lần/năm, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Việc kiểm tra, kể cả kiểm tra liên ngành, cũng không quá 1 lần/năm nếu không có dấu hiệu vi phạm.
Nghị quyết yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Xóa bỏ thuế khoán: Bước đi tất yếu để minh bạch hóa hộ kinh doanh

30.000 cây xanh góp lá vá rừng

Kinh tế tư nhân chờ cú hích chính sách, ngân sách nhà nước vượt mốc dự toán

Ngày 16/5, Quốc hội thảo luận nhiều dự thảo nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân

Bảy nội dung thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Nghị quyết 68: Bệ phóng chiến lược cho thị trường bất động sản bứt phá

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt chống buôn lậu, hàng giả

Mở cửa thị thực, kết nối số, thúc đẩy du lịch xanh

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030: Chính sách thiết thực thúc đẩy nông nghiệp hiện đại
