Làn sóng “sếp lớn xin từ nhiệm” đang lan rộng tới nhiều doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT theo nguyện vọng cá nhân. |
Ồ ạt xin nghỉ việc
Vừa qua, ông Đoàn Đình Duy Khương từ nhiệm Thành viên HĐQT và Tổng giám đốc điều hành tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán: DHG). Ông Khương có 18 năm làm việc tại Dược Hậu Giang và nhận mức lương nhiều người mơ ước. Năm 2023, ông Khương nhận lương cao nhất trong dàn lãnh đạo, hơn 4,6 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần Tổng giám đốc Masashi Nakaura.
Cùng lý do nguyện vọng cá nhân, 2 lãnh đạo khác tại Dược Hậu Giang là bà Vũ Thị Hương Lan - Giám đốc nhân sự và bà Lê Thị Hồng Nhung - Giám đốc tài chính cũng xin từ nhiệm.
Tại Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG), ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc - cũng từ nhiệm chức vụ. Theo giới thiệu, ông Thuận có trình độ Thạc sĩ Quản trị chiến lược, nhiều năm công tác tại các công ty nước ngoài lớn như Sony, Philips, Unilever, Nestle; từng có 5 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược.
Từ năm 2019 đến nay, ông Thuận làm việc tại Tập đoàn Lộc Trời, không sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp. Theo báo cáo năm 2023, ông Thuận và các thành viên quản lý chủ chốt nhận mức lương hơn 5 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn 2,5 tỷ đồng so với năm trước.
Việc miễn nhiệm ông Thuận diễn ra trong bối cảnh quý đầu năm nay, Tập đoàn Lộc Trời lỗ hơn 96 tỷ đồng và cùng kỳ năm trước cũng lỗ hơn 81 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân thua lỗ do một số chi phí tăng cao như nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay, lỗ do tỷ giá hối đoái.
Công ty CP Chứng khoán APG (mã chứng khoán: APG) vừa công bố đơn từ nhiệm của ông Lê Mạnh Hùng - thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và ông Nguyễn Anh Dũng - thành viên độc lập HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban kiểm toán của APG. Cả hai thành viên HĐQT này xin từ nhiệm do kế hoạch cá nhân. Động thái từ nhiệm diễn ra ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2024 lần 2 của APG, sẽ được tổ chức vào ngày 11/8 tại TPHCM.
APG cũng công bố hồ sơ đề cử, bầu bổ sung thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 - 2026, gồm các ông: Huỳnh Đức Hùng, Lê Đình Chí Linh, Lê Bình Phương và Huỳnh Minh Tuấn. Cả 4 cá nhân này đều đang không sở hữu cổ phiếu APG.
Tương tự, ông Bùi Đức Long cũng nộp đơn từ nhiệm khỏi chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP). Trong đơn từ nhiệm, ông Long cho biết, do điều kiện và yêu cầu công tác của cá nhân, ông làm đơn đề nghị HĐQT Nhựa Thiếu niên Tiền Phong xem xét miễn nhiệm chức danh vị trí của ông.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB) vừa công bố đã nhận đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đình Tùng theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Tùng gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 8/2012. Tháng 4/2023, ông Nguyễn Đình Tùng tiếp tục được bầu làm thành viên HĐQT OCB. Đơn từ nhiệm của ông Tùng sẽ được HĐQT xem xét và trình xin ý kiến tại đại hội đồng cổ đông gần nhất.
Doanh nghiệp bất động sản cũng không ngoại lệ
Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) hôm (26/7) đã công bố nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Đào Ngọc Thanh kể từ ngày 26/7. Ông Thanh xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và vì tuổi cao. Ông Thanh đã giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinaconex từ năm 2019.
Dù rút khỏi HĐQT, nhưng ông Thanh sẽ chuyển sang vị trí mới khi cùng ngày, HĐQT Vinaconex cũng ban hành nghị quyết thông qua việc thành lập Hội đồng chiến lược, do ông Đào Ngọc Thanh làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng Chiến lược có chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty; đề xuất các nội dung liên quan đến chiến lược, định hướng phát triển tổng công ty.
Cùng thời gian, Tập đoàn Hà Đô (HDG) cho biết vừa nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953), người sáng lập và điều hành tập đoàn này từ thập kỷ 90 đến nay.
Trong đơn từ nhiệm, ông Thông cho biết, vì tuổi tác, sức khoẻ và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, ông muốn từ nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT công ty.
Một ông lớn địa ốc khác là CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc thay đổi chủ tịch doanh nghiệp. Theo đó, ông Lương Trí Thìn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 3/7. Sau khi từ nhiệm vị trí đứng đầu HĐQT, ông Thìn sẽ đảm nhiệm chức vụ mới là Chủ tịch Hội đồng chiến lược của DXG.
Ông Lương Trí Thìn không còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Đất Xanh. |
Người kế nhiệm ông Thìn là ông Lương Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc. Với sự thay đổi này, cơ cấu thành phần HĐQT DXG gồm 5 thành viên. Trong đó, 4 thành viên gồm: ông Lương Trí Thìn, Bùi Ngọc Đức, Hà Đức Hiếu, Nguyễn Phạm Anh Tài.
Riêng tân chủ tịch vẫn kiêm chức phó tổng giám đốc. Còn ông Thìn vẫn giữ chức vụ thành viên HĐQT theo nhiệm kỳ mà đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Cũng trong hệ sinh thái của Đất Xanh, ngày 23/7, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã DXS) thông báo đã nhận đơn từ nhiệm của ông Phạm Anh Khôi xin rời khỏi các vị trí thành viên HĐQT, thành viên Ủy ban Kiểm toán và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services (DXS-FERI). Ông Khôi nêu nguyên nhân từ nhiệm là vì lý do cá nhân.
Hồi tháng 5, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã HPX) thông báo thay đổi vị trí tổng giám đốc khi miễn nhiệm ông Đoàn Hòa Thuận và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Phương. Ông Thuận có đơn xin từ nhiệm với lý do có sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành công ty, vì vậy không thể tiếp tục thực hiện và tham gia vào các công việc của tổng giám đốc.
Ông Thuận gia nhập với Hải Phát từ năm 2017 với chức vụ phó tổng giám đốc. Đến tháng 7/2018, ông Thuận được bổ nhiệm giữ chức tổng giám đốc nhiệm kỳ 2018-2023. Tới ngày 24/7/2023, ông Thuận tiếp tục được tái bổ nhiệm giữ vị trí tổng giám đốc.