"Hiện tượng mạng" lên sân khấu biểu diễn: Công an tỉnh Bắc Ninh vào cuộc xử lý
Đăng ký một đằng, bán vé một nẻo
Sáng ngày 26/4/2022, nói về việc Thông Soái Ca và Phú Lê lên sân khấu biểu diễn như nghệ sĩ tại Hội chợ thương mại và ẩm thực Đền Đô hồi giữa tháng 4/2022, ông Nguyễn Đức Trọng - Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi nắm được thông tin đã cử lực lượng xuống kiểm tra. Thông tin ban đầu ghi nhận, sự kiện này có tổ chức biểu diễn 2 lần vào ban ngày và ban tối và thực hiện bán vé - thu tiền.
Ông Trọng cho biết, hội trợ này không được cấp phép biểu diễn ca nhạc, nghệ thuật. "Chúng tôi đã chấn chỉnh, nhắc nhở. Sau đó đơn vị tổ chức đã có văn bản báo cáo lên UBND huyện Từ Sơn (nơi diễn ra hội trợ)", ông Trọng thông tin.
Nói thêm về chương trình này, ông Nguyễn Văn Đáp - Trưởng phòng Văn hoá Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh cho hay, đơn vị tổ chức hội trợ đã "lách luật" để được biểu diễn ca nhạc, bán vé thu tiền. Khi làm hồ sơ xin phép tổ chức hội trợ, đơn vị thực hiện chỉ làm hồ sơ gửi Sở Công Thương, UBND huyện Từ Sơn. Hồ sơ này sau đó được chuyển cho Sở TT&TT xin ý kiến chứ không gửi cho Sở VHTT&DL nên đơn vị không nắm được chương trình có biểu diễn nghệ thuật cho đến khi sự kiện diễn ra và dư luận bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều.
![]() |
"Hiện tượng mạng" Thông Soái Ca lên sân khấu biểu diễn ở Hội chợ thương mại và ẩm thực Đền Đô bị nhiều người lên tiếng phản ánh thiếu chuẩn mực văn hoá. |
"Tỉnh Bắc Ninh có thành lập Đội thanh tra liên ngành 814 để xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Hiện Đội thanh tra liên ngành đã nắm được những thông tin ban đầu về Hội chợ thương mại và ẩm thực Đền Đô hồi giữa tháng 4/2022.
Chương trình này dơn vị tổ chức xin giấy phép bên Sở Công thương, trong giấy phép không thể hiện rõ các tiết mục biểu diễn ca nhạc, sự kiện trong thời gian hội trợ diễn ra. Trong hồ sơ thể hiện, đơn vị tổ chức bán vé - thu tiền với mức trẻ em là 20.000 đồng/người, người lớn là 50.000 đồng/người. Nhưng thực tế họ bán vé với mức trẻ em là 50.000 đồng/người còn người lớn là 100.000 đồng/người.
Trong quá trình chuẩn bị cho hội chợ, đơn vị tổ chức thực hiện quảng cáo và nghệ thuật biểu diễn, việc này họ không làm hồ sơ xin cấp phép của Sở VHTT&DL. Đây là kiểu làm "lách luật", đơn vị tổ chức hội chợ sai", ông Đáp khẳng định.
Theo Trưởng phòng Văn hoá, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh, hiện Công an tỉnh đã vào cuộc kiểm tra, thu thập hồ sơ để có chế tài xử lý những vi phạm tại Hội chợ thương mại và ẩm thực Đền Đô.
Đồng thời, vị này cũng cho biết, Phòng Văn hoá cũng tham mưu cho lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh để có hướng giải quyết, ngăn chặn những trường hợp "hiện tượng mạng" như Thông Soái Ca, Phú Lê lên sân khấu biểu diễn, tung hô như nghệ sĩ trong những năm tới.
Đua đòi, lầm tưởng mình là ngôi sao
Thông Soái Ca vốn được biết đến chỉ là một hiện tượng trên mạng xã hội TikTok với những clip có nội dung nhảm, chưa đúng với văn hoá, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Được biết, đứng sau các clip viral của Thông Soái Ca là một ê-kíp lớn. Các bài viết trên kênh của anh gây nhiều ý kiến trái chiều trên mạng, được nhiều người liệt vào mục bài viết “rác” trên TikTok. Vậy nên, sự xuất hiện của Thông Soái Ca trên sân khấu hiện đang gây ra làn sóng phản đối. Thông tin Thông Soái Ca diễn hội chợ hiện nhận về rất nhiều bình luận tiêu cực.
Còn Phú Lê vốn là "giang hồ mạng". Năm 2021, Phú Lê bị cơ quan chức năng TP Hà Nội bắt tạm giam vì liên quan đến hành hung người già. Điểm chung trong nhiều sản phẩm của Phú Lê như “Chạm mặt giang hồ”, “Đời là thế thôi”... là nội dung nhảm nhí, có tính bạo lực, kích động hành xử theo kiểu giang hồ. Để phô trương thanh thế, Phú Lê thu nạp dưới trướng một số đối tượng bất hảo làm đàn em, đồng thời không ngừng xây dựng hình ảnh về một giang hồ có số má. Không ít người, nhất là thanh thiếu niên vì thiếu hiểu biết, tò mò đã lập tức tung hô, coi là “thần tượng”.
Thế nhưng, hình ảnh của 2 nhân vật này xuất hiện trên biển quảng cáo cho chương trình diễn ra ở Hội chợ thương mại ẩm thực Đền Đô như những nghệ sĩ thực thụ cùng với Du Thiên, Long Nhật, DJ Mie...
![]() |
Hình ảnh "hiện tượng mạng" Thông Soái Ca và "giang hồ mạng" Phú Lê xuất hiện trên tấm biển quảng cáo Hội chợ thương mại và ẩm thực Đền Đô khi chưa có sự cấp phép của Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh. |
Phần biểu diễn của Thông Soái Ca được quay lại rồi đăng lên mạng xã hội đã khiến cnhiều người có phản ứng trái chiều, lo ngại về lối sống lệch chuẩn của một bộ phận trong xã hội mà trong đó đa phần là người trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.Xuất hiện trên sân khấu Hội chợ thương mại và ẩm thực lễ hội Đền Đô, Thông Soái Ca làm các màn nhào lộn, mua vui cho khán giả. Anh cùng Du Thiên thể hiện ca khúc “Anh em cây khế”. Giọng hát của Thông Soái Ca ví như “thảm họa âm nhạc”.
Để phần trần về phản ứng của dư luận, Du Thiên thể hiện quan điểm chỉ đang "giúp" Thông Soái Ca (một người vốn có nhiều khiếm khuyết) có được cuộc sống tốt hơn, đến gần hơn với những người tương tác với anh qua TikTok.
Tuy nhiên, ca sĩ Vũ Thắng Lợi lại cho rằng: “Những nhân vật nổi tiếng bằng tai tiếng và trò lố trên mạng xã hội ra biểu diễn thực tế có thể làm một số bạn trẻ có suy nghĩ đua đòi, học theo, bắt chước để nổi tiếng kiếm show, rồi lầm tưởng mình là ngôi sao, đi diễn kiếm tiền. Trong khi khán giả đa số vẫn đến xem vì tò mò chứ chưa ý thức việc thưởng thức nghệ thuật”.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hoá - xã hội cho hay, cá nhân sử dụng mạng xã hội để thu hút người xem, thu lợi nhuận từ việc quảng cáo là hết sức bình thường, nhưng nội dung mà họ truyền tải là cả một câu chuyện lớn bởi đánh vào tâm lý của các bạn trẻ. Ban đầu, các bạn trẻ theo dõi chỉ là sự hiếu kỳ, tò mò nhưng về lâu dài trở thành định hướng về mặt hành vi, trở thành lối sống, xây dựng thang giá trị lệch chuẩn rất khủng khiếp. Đó là xã hội coi trọng giá trị tiền bạc, không coi trọng luân lý hay đạo đức hay pháp lý mà chỉ coi trọng sức mạnh một cách bản năng.
Ông Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội Trung ương từng nói rằng, một số bạn trẻ có hành động, việc làm, trào lưu chưa đúng, lệch chuẩn chung với những quy tắc, ứng xử thông thường của xã hội, trái với thuần phong mỹ tục, đạo lý của dân tộc, thậm chí là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng và làm xấu đi hình ảnh thanh niên Việt Nam.
"Mỗi bạn trẻ đều có đam mê, sở thích, có thần tượng của riêng mình, đó là quyền của mỗi người. Điều quan trọng là niềm đam mê, sở thích và thần tượng đó không đi ngược lại lợi ích và những chuẩn mực, giá trị chung của xã hội, của cộng đồng. Xung quanh chúng ta hằng ngày, hằng giờ có biết bao tấm gương giàu nghị lực vươn lên, có hành động đẹp, có đóng góp tích cực cho đất nước, cho cộng đồng rất đáng trân trọng ở mọi lĩnh vực, địa bàn, mọi độ tuổi khác nhau. Tôi nghĩ đó chính là những tấm gương, những thần tượng mà mỗi người trong chúng ta nên hướng tới, phấn đấu", ông Lương bày tỏ.
Cùng chuyên mục
Tin khác

Nỗi lo "sầu riêng" thành "sầu chung" đang hiện hữu

Bước tiến quan trọng cho nông sản Việt ở thị trường tỷ dân

Thêm nhiều nông sản Việt Nam sắp xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

Chế biến sâu, đa dạng hoá thị trường sẽ giúp cà phê Việt vượt “bão thuế quan”

Thương mại nông sản Việt Nam – Trung Quốc nhìn từ những con số

Bộ Công Thương đề nghị siết quản lý nguyên liệu hàng xuất khẩu

Đề xuất Mỹ miễn trừ thuế đối với một số nhóm hàng nông sản

90 ngày không dài, nhưng quyết tâm làm chúng ta có thể thay đổi tình thế

Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với nhiều nước: Một sự thay đổi tích cực
