Giá nông sản hôm nay 24/2: Cà phê và hồ tiêu tăng mạnh
Giá nông sản hôm nay 21/2: Cà phê quay đầu giảm nhẹ, hồ tiêu đảo chiều tăng mạnh Giá nông sản hôm nay 22/2: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng Giá nông sản hôm nay 23/2: Cà phê và hồ tiêu tiếp đà tăng |
Giá cà phê hôm nay giảm mạnh 1.300 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (24/2), ghi nhận giảm mạnh 1.300 đồng/kg, hiện giao dịch trung bình ở mức 81.000 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 81.300 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 80.600 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 81.000 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh có giá Đắk Lắk thu mua là 81.200 đồng/kg.
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 81.300 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2024 được ghi nhận tại mức 3.055 USD/tấn sau khi giảm 3,75% (tương đương 119 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 5/2024 tại New York ở mức 180,2 US cent/pound sau khi giảm 1,61% (tương đương 2,95 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h (giờ Việt Nam).
Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (tức vào giữa tháng 2/2024), giá cà phê nhân xô tại vườn trồng ở các tỉnh Tây Nguyên đã lần đầu chạm mốc kỷ lục 80.000 đồng/kg và từ đó vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ. Đến ngày 23/2, giá cà phê tại thị trường trong nước đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua khi vượt mốc 83.000 đồng/kg, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 83.400 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 83.800 đồng/kg; tại Lâm Đồng là 82.800 đồng/kg; tại huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk) là 83.400 đồng/kg; tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) là 83.500 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 15.000 – 16.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 1/2024.
Sự tăng giá này không nằm ngoài dự báo trước đó của các chuyên gia, doanh nghiệp. Nhưng mức tăng đạt đỉnh lịch sử này thì bản thân các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành cũng không thể ngờ tới. Bởi năm ngoái, tháng 6 mới khan hàng, năm nay khó khăn mua hàng xuất hiện ngay từ tháng 2.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Intimex Group – cho hay, thời điểm này năm ngoái, giá cà phê chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, hiện đã lên mức trên 80.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, đây được nhận định là mức giá trong mơ của người trồng cà phê.
Tuy nhiên, với mức giá đạt đỉnh lịch sử như hiện nay khiến các nhà xuất khẩu gặp khó vì không mua được hàng, chưa kể một số nhà cung ứng không giao hàng do giá cả biến động. Với các bạn hàng nhập khẩu, do đầu ra gặp khó, họ cũng không thể nào nâng giá bán cho người tiêu dùng theo mức giá mới này. Thị trường chưa chấp nhận và chưa theo kịp, vì vậy, cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu đều đang gặp rủi ro.
Lý do khiến giá cà phê tăng cao được ông Đỗ Hà Nam lý giải là do hiện nay, nguồn cung đang thiếu và gần như chúng ta đang “một mình một chợ”. Bởi Việt Nam đang trữ hàng và thời điểm hiện nay nguồn hàng từ các nước khác chưa có.
Ngoài nguyên nhân trên thì việc EU quy định cà phê vào thị trường phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê hiện nay. Bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu về Quy định chống phá rừng của EU, trong khi đó, về cơ bản cà phê Việt đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến khách hàng sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam. Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là tại thị trường trong nước có hiện tượng các thương nhân “găm hàng” chờ giá lên dẫn đến thiếu hàng.
“Thông thường, mọi năm, đây là thời điểm thương nhân đã bán ra và chỉ chờ giao hàng, nhưng năm nay, có hiện tượng thương nhân hạn chế bán ra, chờ giá lên cao hơn nữa”, ông Đỗ Hà Nam nói.
Với giá cà phê quá cao như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là giá thực. Giá cả nông sản có lên, có xuống, khi đạt đỉnh rồi sẽ phải hạ xuống. “Giá cà phê đã quá cao rồi. Khả năng rủi ro rất cao và khó đưa ra dự báo cho giá cà phê hiện nay”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.
Đại diện Intimex cũng đưa ra dự báo, vào khoảng tháng 5, tháng 6 tới, khi thị trường Brazil, Indonesia vào hàng trở lại thì trường khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh. Dù vậy, ông Đỗ Hà Nam nhận định năm nay giá cà phê sẽ vẫn ở mức cao do nguồn cung thiếu trên thế giới. Bởi niên vụ này, những nước sản xuất cà phê lớn như: Brazil, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng giảm khoảng 10 - 15%.
Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị Cà phê quốc tế châu Á lần thứ 27 tổ chức hồi đầu tháng 12/2023, ông Đỗ Hà Nam cũng đã đưa ra nhận định cho rằng mức giá cà phê sẽ tiếp tục tăng và thiết lập mặt bằng giá mới. Giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ít nhất đến tháng 4/2024 cho đến khi Indonesia, Brazil bước vào vụ thu hoạch mới.
Giá tiêu hôm nay tăng từ 3.500 - 4.500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay (24/2), tăng từ 3.500 - 4.500 đồng/kg, dao động trong khoảng 93.000 - 96.000 đồng/kg tại thị trường nội địa.
Ghi nhận cho thấy, tỉnh Gia Lai và Đồng Nai đang có mức giá thấp nhất là 93.000 đồng/kg, cùng tăng 4.000 đồng/kg
Tiếp theo đó là hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông tăng 4.000 đồng/kg và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3.500 đồng/kg, lên cùng mức giá là 95.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Bình Phước được điều chỉnh tăng cao nhất đến 4.500 đồng/kg lên mức 96.000 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Indonesia là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc trong năm 2023, lượng đạt trên 4.000 tấn, trị giá 17,63 triệu USD, giảm 11,5% về lượng và giảm 19,5% về trị giá so với năm 2022.
Thị phần hạt tiêu của Indonesia trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 52,1% trong năm 2022 xuống 44,09% trong năm 2023.
Trong khi đó, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong năm 2023, lượng đạt xấp xỉ 3.360 tấn, trị giá 13,23 triệu USD, tăng 18% về lượng và tăng 1% về trị giá so với năm 2022.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 32,39% trong năm 2022 lên 36,57% trong năm 2023.
Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu hàng năm của Trung Quốc khoảng 65.000 - 70.000 tấn. Thông thường sau Tết Nguyên đán, Việt Nam vào kỳ thu rộ cũng là lúc thương nhân Trung Quốc tăng cường tìm kiếm nguồn hàng.
Năm 2023, Trung Quốc tăng nhập khẩu hạt tiêu từ các thị trường Brazil, Malaysia, nhưng giảm từ Ấn Độ. Năm 2024, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng so với năm 2023. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu hạt tiêu trên thế giới.