Giá hồ tiêu liên tục tăng, tại sao nhiều nông dân vẫn chặt bỏ?
Giá tiêu được dự báo tăng sau kỳ nghỉ Tết. |
Giá tiêu liên tục tăng
Báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, giá hồ tiêu trong nước vào đầu năm 2023 đạt 57.000 đồng/kg và đứng ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Giá mặt hàng này dần tăng từ cuối quý I/2023 và không có nhiều thay đổi cho đến tháng 11/2023. Tuy nhiên, từ tháng 12/2023, giá tiêu liên tục tăng, có thời điểm lên đến 86.000 đồng/kg, kéo theo giá trung bình cả tháng đạt 81.000 đồng/kg, tăng 42% so với với thời điểm đầu năm.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, việc giá tiêu duy trì ổn định ở mức trên 80.000 đồng/kg trong suốt nhiều ngày qua và nhiều khả năng còn giữ được giá này đến Tết nguyên đán, là điều đáng mừng. Bởi mọi năm, cứ vào dịp Tết nguyên đán, giá tiêu thường giảm xuống do nông dân đẩy mạnh bán ra để có tiền tiêu tết. Nhân cơ hội đó, nhiều doanh nghiệp cũng tranh thủ tìm cách ép giá tiêu xuống.
Theo các thương nhân ngành hồ tiêu, sản lượng hạt tiêu suy giảm trên toàn cầu là nguyên nhân hàng đầu đang tạo sức ép làm tăng giá tiêu. Thông tin từ Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), cho hay, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2023 đạt 539 ngàn tấn, giảm 4,3% so với năm 2022. Sự sụt giảm chủ yếu đến từ Brazil, Ấn Độ và Indonesia.
Vào thời điểm này, hồ tiêu thế giới đang bước vào vụ thu hoạch chính diễn ra tại các quốc gia sản xuất lớn nhất, gồm Việt Nam, Ấn Độ, và miền Nam của Brazil. IPC dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2024 tiếp tục giảm 1,1% tương đương 6.000 tấn.
Tuy nhiên, mức sụt giảm thực tế có thể còn cao hơn nữa. Vì trong dự báo của IPC, năm 2024, Brazil và Ấn Độ sẽ tăng sản lượng, trong khi giảm tại Việt Nam. Nhưng theo ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), vào các tháng 11 và 12/2023, hạn hán xảy ra ở Brazil với mức độ khốc liệt, đã ảnh hưởng đến nhiều vùng trồng tiêu, nhất là những vùng sẽ thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6/2024. Do đó, sản lượng hồ tiêu ở Brazil sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.
Cũng theo ông Hiên, không chỉ Brazil, sản lượng dự báo sẽ giảm ở cả 3 nước sản xuất lớn khác là Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Do đó, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
VPSA nhận định, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ thu hoạch năm nay trễ hơn năm ngoái. Dự kiến sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2024 ước đạt 170 ngàn tấn, giảm 10,5% so với năm 2023.
Giá hạt tiêu Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn sau Tết Giáp Thìn, khi các thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua trên thị trường, nhất là thời điểm đầu quý 2 hàng năm. Thêm vào đó các thị trường khác cũng sẽ phải bắt đầu mua trở lại mặc dù kinh tế vẫn đang bị khủng hoảng. Điều này có thể làm cho lượng hàng tồn cuối năm tiếp tục giảm.
Dù giá tiêu được dự báo là sẽ tăng lên, nhưng cây tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ một số cây trồng khác như cà phê, sầu riêng. Trong thời gian qua, nhiều vườn tiêu đã bị nông dân chặt bỏ để thay thế bằng cây sầu riêng.
Nông dân thắng lớn
Giá tiêu đang tăng cao khiến người nông dân vui mừng ở thời điểm cận Tết. |
Giá tiêu đang tăng cao khiến người nông dân vui mừng ở thời điểm cận tết. Theo khảo sát, giá tiêu liên tục tăng lên trong 5 ngày gần đây, hiện dao động trong khoảng 79.500 - 82.500 đồng/kg tại thị trường nội địa. Cụ thể, giá hồ tiêu tại tỉnh Đồng Nai và Gia Lai từ 79.500 - 80.000 đồng/kg; tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Phước, ở mức 81.500 đồng/kg và 82.000 đồng/kg; tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông 82.500 đồng/kg. Trên các diễn đàn, nhiều hộ nông dân dự báo giá hồ tiêu sẽ còn tăng cao, vượt qua mốc 100.000 đồng/kg và quay lại thời kỳ hoàng kim, tương tự như mặt hàng cà phê hiện nay.
Trong khi đó, VPSA dự báo sản lượng hạt tiêu năm 2024 của Việt Nam có thể sẽ giảm khoảng 10 - 15% xuống còn 160.000 - 165.000 tấn. Tuy nhiên, theo VPSA, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nên dự báo giá hạt tiêu sẽ khó tăng liên tục trong dài hạn.
Cụ thể, ngoại trừ thị trường Trung Quốc, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắp tới của các nước trên thế giới có thể sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến từ xung đột địa chính trị tại một số khu vực. Mục tiêu của VPSA là kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hạt tiêu và gia vị đạt đến năm 2025 khoảng trên dưới 2 tỉ USD, với tổng sản lượng từ 400.000 - 500.000 tấn.
Về nhập khẩu, thống kê sơ bộ của VPSA trong 15 ngày đầu tháng 1.2024 cho thấy Việt Nam đã nhập khẩu 2.256 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 7,8 triệu USD, trong đó 86,0% nhập khẩu đến từ Brazil đạt 1.940 tấn và 9,6% đến từ Indonesia đạt 216 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu bao gồm: Liên Thành: 972 tấn, Olam Việt Nam: 339 tấn, Pearl Group: 339 tấn.