Giá nông sản hôm nay 31/1: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng
Giá cà phê hôm nay tiếp đà tăng mạnh 900 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (29/1) giá cà phê trong nước tiếp đà tăng mạnh 900 đồng/kg, hiện giao dịch trung bình ở mức 78.600 đồng/kg.
Giá cà phê cao nhất thu mua ở các vùng trọng điểm của Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum) được ghi nhận ở mức 79.000 đồng/kg.
Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 78.000 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 78.600 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 78.700 đồng/kg
Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 79.000 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới tăng. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2024 được ghi nhận tại mức 3.336 USD/tấn sau khi tăng 1,86% (tương đương 61 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2024 tại New York ở mức 194 US cent/pound sau khi tăng 2,51% (tương đương 4,75 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h40 (giờ Việt Nam).
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch 29/1, giá Robusta tăng nhẹ 0,18%, lên 3.275 USD/tấn, mức cao nhất trong 30 năm. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ tiếp tục giữ giá neo cao.
Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tính đến hết ngày 28/1 ở mức 29.770 tấn, giảm 1.030 tấn so với báo cáo kết phiên trước đó. Như vậy, tổng lượng Robusta lưu trữ đang về mức thấp trong lịch sử. Tồn kho báo động trong bối cảnh cung ứng cà phê từ châu Á bị gián đoạn càng làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Ở chiều ngược lại, giá Arabica giảm 2,37% so với tham chiếu, chênh lệch tỷ giá giữa đồng tiền của hai quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất thế giới gia tăng đã gây sức ép lên giá.
Theo đó, đồng USD mạnh lên trong nửa phiên tối hôm qua, trong khi đồng Real nội địa của Brazil lại yếu đi. Điều này kéo theo tỷ giá USD/BRL tăng mạnh 0,71%. Chênh lệch giữa hai đồng tiền được nới lỏng phần nào giúp kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil do thu về nhiều ngoại tệ hơn.
Bên cạnh đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US kết phiên 26/1 giảm thêm 5.130 bao loại 60kg. Tuy nhiên, trên Sở ICE đang có 73.708 bao chờ chứng nhận, với hơn 50.000 bao đến từ Brazil. Đây vẫn là dư lượng tốt để tồn kho hồi phục trong thời gian tới khi hoạt động chứng nhận cà phê được đẩy mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 giảm, xuất khẩu cũng giảm. Trong đó, giảm mạnh tại Việt Nam, Colombia, kéo theo xuất khẩu đi xuống là nguyên nhân chính cho sự điều chỉnh này.
Sản lượng cà phê Arabica của Colombia được dự báo tăng 800.000 bao lên 11,5 triệu bao nhờ năng suất cao hơn. Mặc dù vậy, sản lượng của Colombia vẫn thấp hơn gần 15% so với mức trung bình hàng năm. Sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 vào khoảng 26,6 triệu bao, tăng 1,2% so với niên vụ trước; trong khi arabica giảm 11,1% xuống còn 880.000 bao.
Tại Ấn Độ, sản lượng cà phê được dự báo gần như không thay đổi so với niên vụ trước, ở mức 6 triệu bao. Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Arabica của Ấn Độ dự báo giảm 200.000 bao xuống còn 1,4 triệu bao.
Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 01/2024 tiếp tục tăng, ước đạt 210.000 tấn, với kim ngạch 621 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 3,5% về kim ngạch so với tháng trước; tăng mạnh 47,6% về lượng và 99,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1/2024 tăng trở lại, đạt 2.955 USD/tấn, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá tiêu hôm nay đồng loạt tăng 500 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay (31/1), tăng đồng loạt tại một số địa phương, hiện dao động từ 80.500 - 83.000 đồng/kg.
Theo đó, hai tỉnh Đồng Nai và Gia Lai đang áp dụng mức giá chung là 80.500 đồng/kg, cùng tăng 500 đồng/kg.
Hồ tiêu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được thu mua với mức giá là 82.500 đồng/kg - tăng 500 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Bình Phước cũng ghi nhận tăng 500 đồng/kg lên cùng mức với hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông là 83.000 đồng/kg.
Việt Nam đã bắt đầu vào vụ thu hoạch mới ở những vùng hồ tiêu chín sớm. Tuy nhiên, theo đánh giá sẽ không xảy ra hiện tượng nhà nông bán ra ồ ạt như các vụ trước do có sự hỗ trợ của giá nông sản khác như sầu riêng, cà phê tăng cao.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam dự báo, xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi, giá sẽ tăng do sản lượng giảm. Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch trong năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước.
Trên thị trường thế giới, thông tin trên Khmer Times, theo báo cáo của Hiệp hội Xúc tiến Hạt tiêu Kampot (KPPA), trong năm 2023, Campuchia đã xuất khẩu 103 tấn hạt tiêu Kampot, được đăng ký Chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu, ghi nhận mức giảm 11% so với năm 2022.
Ông Nguon Lay - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot, nhận định, đây vẫn là khối lượng xuất khẩu chấp nhận được vì ước tính Hiệp hội bán khoảng 100 đến 110 tấn hồ tiêu mỗi năm.
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot chia sẻ thêm, khoảng 85% hạt tiêu được vận chuyển sang châu Âu và 15% còn lại được bán sang các nước khác, bao gồm Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nổi tiếng với hương thơm tinh tế và vị cay đậm đà, hạt tiêu Kampot là sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Campuchia từ năm 2010 và rất được ưa chuộng tại thị trường châu Âu.
Hạt tiêu Kampot có ba loại là đen, đỏ và trắng được bán với giá bán rất cao, lần lượt là 15.000 USD/tấn, 25.000 USD/tấn và 28.000 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở khoảng 3.900 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 4.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.700 USD/tấn.
Ghi nhận từ báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản cho thấy, Campuchia đã xuất khẩu 6.125 tấn hạt tiêu vào năm ngoái, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hồ tiêu được trồng trên 6.935 ha ở Campuchia.
Theo Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia, giá tiêu xuất khẩu nước này hiện nay ở mức 3.000 - 3.500 USD/tấn.