Gạo Việt vẫn cao kỷ lục bất chấp Ấn Độ tuyên bố mở kho
Tác động của việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với Việt Nam Việt Nam chi 1 tỷ USD nhập khẩu gạo là hoạt động lưu thông hàng hóa thông thường Xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt 7 triệu tấn |
Giá gạo ST25 xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 1.300 USD/tấn. |
2 lần thông báo tăng giá trong 1 tháng
Từ ngày 1 đến 17/9, doanh nghiệp tư nhân TMDV Hồ Quang, nơi cung cấp gạo Ông Cua của cha đẻ giống gạo ST đã 2 lần thông báo tăng giá gạo ST25.
Lần 1, doanh nghiệp thông báo tăng 2.000 đồng kg vào ngày 1/9. Nửa tháng sau, vào ngày 17/9, giá gạo ST25 tiếp tục tăng thêm 1.500 đồng/kg. Tổng cộng trong 17 ngày, mỗi kg gạo ST25 đã tăng 3.500 đồng.
Cập nhật trên website của doanh nghiệp ngày 3/10, giá bán gạo Ông Cua ST25 từ 44.400 đồng - 57.000 đồng/kg, tùy loại. Riêng ST25 hữu cơ có giá 83.500 đồng/kg.
Tại các đại lý có phân phối gạo thương hiệu gạo ST25 ở TP.HCM, thương hiệu Gạo Ông Cua của kỹ sư Hồ Quang Cua có giá phổ biến 40.000 đồng/kg với loại ruộng thường, loại lúa tôm là 43.000 đồng/kg và bán theo bao 5 kg.
Như các cửa hàng gạo Phương Nam (đơn vị phân phối gạo ST25 Ông Cua chính hãng) tại TP.HCM, gạo ST25 loại thường túi 5kg đang có giá 200.000 đồng (tương đương 40.000 đồng/kg) và túi 5kg gạo ST25 lúa tôm có giá 215.000 đồng (tương đương 43.000 đồng/kg).
Đại diện kinh doanh của Công ty CP Lương thực Phương Nam, cho biết vào giữa tháng 9, gạo ST25 Ông Cua tạm thời gián đoạn. Hiện nay, đã có hàng trở lại nhưng nguồn cung vẫn không đủ để bán.
Ông Đinh Minh Tâm, giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), cho biết giá lúa ST tăng mạnh do khan hiếm, chỉ có những người giàu trong nước và các nước ngoài tiêu thụ nên tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg là chuyện bình thường.
"Việt Nam có 100 triệu dân nhưng chỉ có 10% dân số sử dụng gạo ST thôi. Do đó, việc tăng giá gạo ST cũng không đáng kể", ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, gạo ST có tăng nhiều hơn 50% so với trước đây nhưng các doanh nghiệp không thể tăng giá được.
Ở phân khúc cao cấp, gạo ST được Việt Nam đang xuất khẩu rất tốt vào thị trường Trung Quốc, Trung Đông và EU. Vì hợp đồng doanh nghiệp đã ký trước với khách hàng nước ngoài dài hạn nên giá gạo ST xuất khẩu không thể tăng được.
"Giá lúa ST tăng mạnh cũng không ảnh hưởng gì đến thị trường chung, vì đây là lúa dành cho người giàu. Lúa này chỉ sản xuất ở vụ đông xuân chứ mùa này không ai dám trồng lúa này, do thời tiết bất lợi. Nguồn cung ít dẫn đến tăng giá mạnh. Tôi khẳng định lúa gạo Việt Nam có nhiều, đủ loại nên không thể nào có chuyện thiếu gạo mà phải nhập khẩu", ông Tâm khẳng định.
Gạo Việt Nam vẫn đỉnh bảng
Giá gạo thế giới vẫn lao dốc trong khi đó gạo Việt Nam đã lấy lại "phong độ". |
Ngay sau khi Ấn Độ tuyên bố mở kho, theo xu hướng thế giới giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam cũng giảm.
Tính đến ngày 8/10, giá gạo thế giới vẫn lao dốc trong khi đó gạo Việt Nam đã lấy lại "phong độ"; gạo 5% tấm phổ biến 555 - 560 USD/tấn. "Giá gạo Việt nam lấy lại cân bằng nhanh chóng chỉ sau một tuần do nguồn cung của Việt Nam hạn chế. Khách hàng lớn là Philippines vẫn tiếp tục nhập khẩu cho nhu cầu tiêu thụ mùa Giáng sinh và dịp cuối năm. Bên cạnh đó, gần đây Philippines liên tiếp bị ảnh hưởng nặng nề của bão nên sản lượng thu hoạch giảm", ông Nguyễn Vĩnh Trọng phân tích.
Còn ông Phan Văn Có bổ sung: "Các nước có lượng hàng tồn kho nhiều nên bây giờ phải tranh thủ bán ra nên giá giảm. Còn Việt Nam không có tồn kho nên giá vẫn ở mức cao từ 560 - 570 USD/tấn gạo 5% tấm. Gạo của Ấn Độ cùng phân khúc với Pakistan nên họ cạnh tranh với nhau rất gay gắt. Bên cạnh đó, Pakistan cũng như Thái Lan hay Myanmar cũng vào đợt thu hoạch vụ mới tương tự như vụ kharif của Ấn Độ nên chịu áp lực giảm giá để tăng cung".
Giải thích về hiện tượng này, một số chuyên gia cho biết, giá tăng cục bộ có thể do nguồn cung nguyên liệu hạn chế. Đặc biệt nguồn cung từ Campuchia bị gián đoạn do nước này đang trong giai đoạn nghỉ lễ truyền thống, giao dịch chậm.
Các chuyên gia thị trường cũng có chung nhận định Pakistan là nước bị tác động mạnh nhất khi Ấn Độ mở kho gạo vì sản phẩm của 2 quốc gia này cùng phân khúc và có thị trường tiêu thụ tương tự nhau.
Theo cập nhật giá cả từ Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) và dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng phản ánh thực tế trên. Cụ thể, ngày 7/10, giá gạo 5% tấm của Thái Lan và Pakistan đồng loạt giảm thêm 15 USD xuống mức lần lượt là 500 và 493 USD/tấn. Đối với gạo 5% tấm của Thái Lan, mức giá hiện tại thấp hơn khoảng 60 USD so với trước khi Ấn Độ mở kho và là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023. Còn với gạo 5% của Pakistan, mức giá hiện tại sát với giá sàn là 490 USD mà Ấn Độ công bố. Trong khi đó, giá gạo Ấn Độ tăng 2 USD lên mức 492 USD/tấn.
Ngày 28/9, chính phủ Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, nhưng kèm theo điều kiện giá sàn xuất khẩu là 490 USD/tấn. Dự báo giá gạo sẽ còn nhiều biến động trong thời gian tới.