Để hàng Việt trở thành niềm tự hào của người Việt Nam…
Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Nga Hàng Việt Nam rộng cửa vào thị trường Trung Đông Cần làm gì để nâng sức cạnh tranh của hàng Việt? |
Để hàng Việt trở thành niềm tự hào của người Việt Nam… |
Sáng 12/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình Gala 15 năm ngành công thương thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị, với mục tiêu phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền về cuộc vận động; rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng; kiểm tra, kiểm soát thị trường; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hàng Việt chiếm trên 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. |
Phát biểu tại Chương trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, Cuộc vận động đã đạt nhiều kết quả tích cực, và trong thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của ngành Công Thương. Theo Bộ trưởng: "Cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khai thác có hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thông qua Cuộc vận động đã giúp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam".
Kết quả cụ thể, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay. Tỷ lệ nhập siêu giảm, tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị và từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Tỷ trọng trong GDP của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao, đứng vị trí thứ 44 trên thế giới năm 2018 và đứng thứ 30 vào năm 2021.
Khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. |
Phát biểu tại Chương trình, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng ngành công thương đã đạt được trong triển khai Cuộc vận động, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
Trong giai đoạn phát triển mới với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để kết quả thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở tất cả các cấp, các ngành nói chung và ngành công thương nói riêng được toàn diện hơn nữa, ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá cả để hàng Việt Nam thực sự hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tiếp tục tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong hưởng ứng Cuộc vận động.
Nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm để có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động, nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do.
Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống.
"Tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá cả phù hợp nhất", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói. Chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá; phát triển kênh phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Phó Thủ tướng bày tỏ cũng mong muốn các đại biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, sức sáng tạo để đạt được những mục tiêu cao hơn, khó hơn; để ngày càng có nhiều hơn những mặt hàng Việt Nam chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, để hàng Việt Nam chinh phục và trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.