“Cơn sốt giá” mới mang tên hồ tiêu
Đà tăng hồ tiêu từ nay đến cuối năm là rõ Đà tăng hồ tiêu có thể kéo dài trong 10 năm tới? Giá hồ tiêu vượt 120.000 đồng/kg, cao nhất 8 năm |
Giá tiêu trong nước, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đều được điều chỉnh tăng mạnh. |
Tính đến sáng 3/6, giá tiêu tiếp tục tăng từ 2.000 - 3.000 đồng ở nhiều địa phương. Cụ thể, giá hạt tiêu tại Đắk Lắk 138.500 đồng/kg, Đắk Nông 138.300 đồng/kg, Gia Lai 138.000 đồng/kg, Bình Phước 139.000 đồng/kg, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng 140.000 đồng/kg….
Tính chung cả tuần qua, giá tiêu tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg lên mức giá cao nhất 8 năm, dao động trung bình 140.000 – 142.000 đồng/kg.
Đáng nói, giá tiêu tăng mạnh nhưng doanh nghiệp không mua được hàng vì nông dân trữ hàng chờ giá tăng thêm. Điều này tạo áp lực lên một số doanh nghiệp phải gom đủ hàng cho đối tác.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty CP Dh Foods, cho biết: Thời gian qua, giá hạt tiêu tăng cao do năng suất giảm vì thời tiết bất lợi và một số loại sâu bệnh mới. Bên cạnh đó, diện tích trồng hồ tiêu giảm do giá hồ tiêu thấp trong những năm trước khiến người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có lợi nhuận cao hơn.
Về thị trường chung, tồn kho hồ tiêu tại các nước sản xuất chính như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil đều ở mức thấp do nhu cầu tiêu thụ cao trong thời gian qua. Hoạt động thu mua hồ tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ trong năm. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu trong nước và quốc tế đang có xu hướng tăng do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các gia vị tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, nhu cầu dự trữ hồ tiêu cũng tăng do lo ngại nguồn cung có thể tiếp tục giảm trong tương lai, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tăng cường mua vào để dự trữ, đẩy giá hồ tiêu tăng cao.
Ông Dũng cũng lưu ý, ngoài những yếu tố khách quan nêu trên cũng có khả năng do hoạt động đầu cơ, thương lái và nhà đầu tư đã gom hàng và tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo, đẩy giá hồ tiêu lên cao.
Về phần mình, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group chia sẻ, Tiêu là cơ ngơi của nhiều người nên vẫn có hộ gia đình tiếp tục với nghề nuôi trồng hồ tiêu. Sang năm 2020, giá tiêu bắt đầu tăng trở lại trong cơn đại dịch. Cho đến năm 2023, do Brazil tung hàng tồn kho đã kiềm hãm đà tăng của giá tiêu.
Lý giải cụ thể câu chuyện của Brazil, ông Thông cho biết trước năm 2010, Brazil cung cấp sản lượng tiêu rất khiêm tốn. Nhưng sau khi giai đoạn tăng giá từ 2010 đến 2012, nông dân Brazil cũng nhập cuộc trồng tiêu và sản lượng từ chỗ 35.000 tấn, họ tăng tốc lên 100.000 tấn năm 2021 và bắt đầu cạnh tranh dữ dội với Việt Nam cả về số lượng và giá.
Tiêu Brazil thì ít được ưa chuộng trên thế giới và khi Mỹ không hào hứng, rồi các nước châu Âu ngăn chặn nhập khẩu… dẫn đến nghịch lý Việt Nam trở thành nước nhập khẩu lớn nhất tiêu của Brazil.
"Câu hỏi là tại sao một nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% thị phần toàn cầu như Việt Nam lại là nước nhập khẩu lớn nhất của nước xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới?", đại diện Phúc Sinh đặt vấn đề.
Nguyên nhân, Việt Nam có nhiều nhà máy chế biến hiện đại hơn Brazil và có thể làm tăng giá trị sản phẩm sau chế biến, bán giá cao hơn.
Năm 2023, sản lượng tiêu của Brazil sụt giảm do thời tiết. Thời tiết thất thường của Brazil từ nhiệt độ bình thường 35/38 độ C lên đến 55-60 độ C, hạn hán và nóng bức đã làm một loạt vườn tiêu rộng lớn của Brazil chết khô.
Hệ quả, giá tiêu Brazil từ 3.200 USD/tấn (giá FOB) lên đến 4.700 USD/tấn FOB chỉ trong vòng 3 tháng và tiếp tục ở mức cao. Khách quốc tế chuyển hướng mua tiêu Việt Nam chính là nguyên nhân đưa giá tiêu tăng trở lại.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD/tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Hạt tiêu cùng với gạo và cà phê là những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất.