Xóa bỏ thuế khoán: Bước đi tất yếu để minh bạch hóa hộ kinh doanh
![]() |
Xóa bỏ thuế khoán: Bước đi tất yếu để minh bạch hóa hộ kinh doanh. |
Xóa bỏ thuế khoán: Tất yếu trong bối cảnh kinh tế số và minh bạch hóa thuế
Trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, chậm nhất vào năm 2026. Chủ trương này được giới chuyên gia đánh giá là hợp lý và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm minh bạch hóa thu nhập, giảm thất thu thuế và tăng hiệu quả quản lý.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, trong đó gần 2 triệu hộ (chiếm 66%) đang nộp thuế theo hình thức khoán. Mức thuế khoán bình quân trong quý I năm 2025 là khoảng 672.000 đồng/hộ/tháng. Ưu điểm của thuế khoán là đơn giản, dễ thực hiện, nhưng lại thiếu minh bạch, dễ bị lợi dụng để khai báo doanh thu thấp, trốn thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, chỉ rõ: “Nhiều cửa hàng khám chữa bệnh, bán thuốc, spa có doanh thu rất lớn nhưng chỉ nộp vài triệu đồng tiền thuế khoán mỗi tháng. Có người làm dịch vụ lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng mà vẫn áp dụng thuế khoán”.
Các chuyên gia cho rằng, khi xóa bỏ thuế khoán, hộ kinh doanh sẽ chuyển sang phương pháp kê khai thuế, sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, ứng dụng công nghệ số như eTax Mobile, phần mềm kế toán điện tử… giúp cơ quan thuế kiểm soát sát thực tế doanh thu và hộ kinh doanh dễ dàng tra cứu, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên, phương pháp kê khai đòi hỏi hộ kinh doanh phải ghi chép sổ sách, xuất hóa đơn, làm quen với thủ tục kế toán. Điều này có thể khiến chi phí tuân thủ tăng, nhất là với các hộ kinh doanh nhỏ.
Chi Cục Thuế Khu vực I đã đề xuất thí điểm chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh tại TP Hà Nội sang kê khai thuế. Đồng thời, cơ quan này cũng phối hợp với các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán để hỗ trợ hộ kinh doanh thuận tiện hơn khi chuyển đổi.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhận định: “Việc xóa bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh có doanh thu lớn là hoàn toàn đúng đắn. Hiện cả nước có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng chỉ khoảng 100.000 hộ áp dụng hình thức kê khai thuế. Điều này dẫn đến thất thu thuế nghiêm trọng”.
Theo ông Tú, phương pháp thuế khoán dễ phát sinh tiêu cực, thỏa thuận ngầm giữa cán bộ thuế và người nộp thuế. Trong khi đó, kê khai sẽ giúp minh bạch hóa doanh thu, hộ nào có doanh thu cao thì nộp thuế cao, doanh thu thấp thì nộp ít – đúng bản chất nghĩa vụ thuế.
Hộ kinh doanh cần được hỗ trợ để chuyển đổi thuận lợi
![]() |
Các tổ chức, doanh nghiệp cũng sẽ được thông báo cụ thể qua email, văn bản để chủ động chuẩn bị và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định mới. |
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Thuế Trọng Tín, cho rằng, hộ kinh doanh không nên quá lo lắng trước thay đổi này. Việc kê khai ở đây không giống với doanh nghiệp, mà chỉ cần ghi nhận doanh thu thực tế, xuất hóa đơn đầy đủ và thực hiện chế độ kế toán đơn giản.
Trước đây, thuế khoán tính theo doanh thu ước lượng, không quan tâm lãi hay lỗ. Với kê khai, doanh thu bán hàng là cơ sở để tính thuế, phản ánh đúng hơn thực trạng kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Được cũng lưu ý, việc phải thực hiện sổ sách kế toán, chứng từ, hóa đơn sẽ khiến chi phí tuân thủ cao hơn, đặc biệt với các hộ nhỏ. Vì vậy, cần có cơ chế đơn giản hóa thủ tục, ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện, tiết kiệm nhất.
Theo ông Lê Ngọc Huy, Trưởng phòng Thuế cá nhân, hộ kinh doanh và thu khác (Chi cục Thuế khu vực I), chi cục đã triển khai kế hoạch thực hiện Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, bắt đầu từ nay đến 20/5 sẽ áp dụng đối với các hộ có doanh thu khoán từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, sau đó mở rộng dần đến các đối tượng khác.
Các tổ chức, doanh nghiệp cũng sẽ được thông báo cụ thể qua email, văn bản để chủ động chuẩn bị và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo quy định mới.
Định hướng sắp tới của ngành Thuế là chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang phương pháp kê khai, đảm bảo nguyên tắc “tự khai, tự nộp” và phản ánh trung thực doanh thu, loại bỏ những bất cập của thuế khoán như thất thu thuế, gian lận, tiêu cực.
Ông Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị, nên triển khai theo ngành nghề và quy mô kinh doanh. Một số ngành như ăn uống, vận tải, bán thuốc, bán sữa… cần được đưa vào diện áp dụng sớm. Lộ trình cần rõ ràng, ví dụ đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt tỷ lệ chuyển đổi nhất định, và tăng dần đến giữa năm 2026 để có thể chấm dứt hoàn toàn thuế khoán trong năm 2026.
Ông Nguyễn Văn Thức, chuyên gia cấp cao về Thuế và Kế toán, cho rằng thuế khoán phát sinh nhiều sai lệch giữa số thuế nộp và doanh thu thực tế. Việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối phần mềm kế toán, máy tính tiền, sử dụng công nghệ như AI, blockchain, giúp hệ thống hóa dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả quản lý thuế.
Cũng theo ông Thức, xóa thuế khoán là bước đột phá về chính sách, giúp tiết kiệm chi phí xã hội, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng hơn. “Càng rõ ràng, càng kết nối, càng minh bạch, thì nền kinh tế càng hiệu quả, sáng tạo”, ông nhấn mạnh.
Hiện nay, người nộp thuế có ba phương pháp chính: kê khai thuế, nộp theo từng lần phát sinh và thuế khoán. Khi bỏ thuế khoán, các hộ sẽ chuyển sang kê khai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Được đề xuất nên sửa đổi luật, cho phép áp dụng hình thức nộp thuế trực tiếp theo doanh thu mà không yêu cầu đầy đủ sổ sách kế toán đối với hộ kinh doanh siêu nhỏ, giúp giảm chi phí tuân thủ và phù hợp hơn với thực tiễn tại Việt Nam.
Tin khác

30.000 cây xanh góp lá vá rừng

Kinh tế tư nhân chờ cú hích chính sách, ngân sách nhà nước vượt mốc dự toán

Nghị quyết 68 chắp cánh thương hiệu Việt

Ngày 16/5, Quốc hội thảo luận nhiều dự thảo nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân

Bảy nội dung thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Nghị quyết 68: Bệ phóng chiến lược cho thị trường bất động sản bứt phá

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt chống buôn lậu, hàng giả

Mở cửa thị thực, kết nối số, thúc đẩy du lịch xanh

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030: Chính sách thiết thực thúc đẩy nông nghiệp hiện đại
