Vì sao nông sản xuất khẩu thường xuyên bị “rút ruột”?
Hàng hoá tại cảng Cát Lái. |
Cuộc điều tra mất trộm hạt tiêu, cà phê chưa có tiến triển
Cho đến nay, cuộc điều tra vụ mất trộm hàng trong container hạt tiêu, cà phê xuất phát từ cảng Cát Lái vẫn chưa có tiến triển khả quan.
Theo thông tin mới nhất, ngày 18/6, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết vừa có buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và một số doanh nghiệp hồ tiêu về nghi vấn hàng hóa bị "rút ruột" ở cảng Cát Lái.
Theo VPSA, tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin về các tình huống thất thoát hàng hóa trong quá trình xuất khẩu hồ tiêu tới các quốc gia Ai Cập, Nhật Bản, Hàn Quốc… để các bên cùng nắm và phối hợp kiểm chứng, rà soát các quy trình.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý cảng Cát Lái) cho biết sẵn sàng phối hợp cùng các doanh nghiệp làm việc với các cơ quan thẩm quyền, đơn vị chức năng để tìm hiểu và xác minh các trường hợp thiếu hụt hàng hoá.
Sau khi trao đổi, các bên thống nhất sẽ cùng phối hợp để điều tra vụ việc đến cùng để bảo vệ uy tín cho Tân Cảng Sài Gòn nói riêng và của ngành hàng hải Việt Nam nói chung, đồng thời bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu.
VPSA cam kết tiếp tục hỗ trợ, phối hợp, trao đổi thông tin với Tân Cảng Sài Gòn và doanh nghiệp trong quá trình điều tra vụ việc để sớm đạt được kết quả. Hiệp hội đề nghị Tân Cảng Sài Gòn nhanh chóng điều tra giải quyết sự việc, bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đầu tháng 6, VPSA cho biết một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, cà phê phản ánh tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị "rút ruột" tại cảng Cát Lái. Hiện có 5 doanh nghiệp hội viên phản ánh về tình trạng mất cắp hồ tiêu và cà phê tại cảng Cát Lái. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024 đã có 8 lô hàng, gồm 4 lô hồ tiêu và 4 lô cà phê thuộc 5 doanh nghiệp đã bị "rút ruột".
Khối lượng hàng hóa bị mất chiếm từ 7-28% lô hàng, đều xảy ra ở cảng hạ của cảng Cát Lái và trong cùng một thời gian do tàu bị hoãn. Lô bị rút ruột nhiều nhất là hơn 4,6 tấn cà phê trong tổng số 19,2 tấn hàng. Sau đó, VPSA đã có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về hiện tượng thiếu hụt hàng hóa xuất khẩu.
Nhiều vụ mất trộm nông sản liên tiếp xảy ra
Vào năm 2022, Hiệp hội Điều VN (VINACAS) phát hoảng vì hàng trăm container hạt điều xuất khẩu có dấu hiệu bị lừa đảo, bị kẻ gian dùng thủ thuật chiếm đoạt ở cảng đến, nguy cơ mất hàng trăm tỉ đồng. Sau đó, với sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo cũng như hỗ trợ của thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các lô hàng đã lần lượt thu hồi về được nhưng cũng gây không ít thiệt hại về giá bán, chi phí vận chuyển…
Năm 2023 lại xảy ra vụ 5 container hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi trị giá gần nửa triệu USD đã bị lừa đảo tại thị trường Dubai. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ can thiệp của các cơ quan chức năng, các lô hàng đã được đưa về, tuy vậy thiệt hại để theo đuổi các vụ kiện là cực kỳ lớn. Từ đó, phía Hiệp hội đề nghị DN thận trọng khi giao dịch với các DN có dấu hiệu đáng ngờ.
Trong vòng 10 năm qua, tình trạng kẻ gian lấy trộm mặt hàng xuất khẩu liên tiếp xảy ra, nhiều vụ đã được công an điều tra, giải quyết, bắt giữ thủ phạm, tuy nhiên vẫn chưa thể chấm dứt hẳn nạn trộm cắp hàng hóa.
Phân loại cà phê tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Vũ Sinh |
Giá trị cao nên dễ rơi vào tầm ngắm?
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực VINACAS, lý giải: "Hiện nay các mặt hàng nông sản của VN đang tăng giá rất cao, hạt tiêu đang có giá cao kỷ lục từ trước đến nay, hạt điều năm nay cũng mất mùa, khiến giá bán tăng 40 - 50%, cà phê có hiện tượng tăng giá thần tốc, vượt mức cao nhất trong lịch sử.
Mặt khác, nếu trộm cắp các mặt hàng quần áo, giày dép, lúa gạo… thì giá trị thấp, hàng hóa cồng kềnh, tiêu thụ khó khăn. Mặt hàng thủy sản, trái cây thì phải bảo quản trong container lạnh. Còn đối với mặt hàng cà phê, hồ tiêu, hạt điều…, nguồn cung trong nước không còn nhiều, giá tăng cao nên chắc chắn rằng chỉ cần rút ruột được 15 - 20% số hàng hóa trong container thì kẻ trộm đã có được tài sản lớn, việc tiêu thụ hàng gian cũng dễ dàng vì nhu cầu thu mua nguyên liệu rất lớn".
Đối với tình trạng lừa đảo quốc tế, đã có nhiều DN xuất khẩu là nạn nhân, tuy nhiên trong số các vụ việc gây chú ý nhất thì mặt hàng tiêu, điều vẫn là tâm điểm. Giải thích về hiện tượng này, lãnh đạo VINACAS phân tích: "Mặt hàng hạt điều có giá trị rất cao, có nhu cầu tiêu thụ ở cả châu Mỹ, châu Âu, châu Á nên chỉ cần lừa đảo được 1 container hạt điều thì đã có hàng trăm ngàn USD. Trong khi đó, các DN chế biến điều nhân xuất khẩu luôn chịu áp lực phải bán hàng ra để duy trì vòng vốn, việc mua bán lại phụ thuộc khá nhiều vào các đối tác môi giới, giao tiếp qua internet nên dễ dàng mắc lừa do tâm lý chủ quan, nôn nóng".