Vải thiều chính vụ giá rẻ bất ngờ
Hải Dương: Vải thiều chất lượng tăng cao, xuất khẩu đạt kết quả ấn tượng Thúc đẩy xuất khẩu vải tươi Hải Dương sang Nhật Bản Thanh Hoá: Mở rộng vùng trồng vải thiều không hạt để xuất khẩu |
Anh Đào Văn Thìn - tiểu thương bán vải trên đường Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, giá vải đầu vụ năm nay rẻ hơn so với mọi năm. Hiện sạp của anh bán hai loại vải, giống vải lai quả to, hạt to, ăn vào có vị hơi chua giá dao động từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/kg. Giống vải thiều chín đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, ăn vào có vị ngọt đậm giá sẽ cao hơn, trung bình anh bán từ 15.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg.
Chiều 13/6, tấp vào cửa hàng bán vải thiều khu vực chợ Hà Đông, Hà Nội, trước mắt Phóng viên là tấm biển to đùng ghi rất rõ: “Vải thiều giá 15.000 đồng/kg”. Đem thắc mắc hỏi người bán vải, chị này cho biết, đây là vải thiều Lục Ngạn nhưng không trồng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt như VietGAP, GlobalGAP, quả không to đẹp bằng nên giá thấp hơn.
"Năm nay, hàng khá ế ẩm. Thông thường những năm trước, thời điểm này với mức giá tương tự tôi bán khoảng 3 - 4 tạ vải/ngày, nhưng năm nay chỉ bán được khoảng 1,7 - 1,8 tạ vải/ngày. Dự kiến, khi vào chính vụ khoảng 7 - 10 ngày tới, mức giá còn giảm nữa, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg đến tay khách hàng", tiểu thương này nói.
Anh Lê Minh Tuấn - thương lái ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay giá vải thiều khá thất thường, tuy nhiên sản lượng xuất khẩu đi các thị trường tiêu thụ thì vẫn đều từ 10-20 tấn/ngày. Trong đó, ngay từ đầu vụ thương lái vẫn cân được cho bà con với giá 30.000-36.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến ngày hôm nay (13/6/2023) thì còn khoảng 10.000-18.000 đồng/kg.
“Nguyên nhân thì chúng tôi chưa nắm được rõ, nhưng trước mắt hiện hữu giá vải thiều “nhảy múa” liên tục như vậy khiến người dân trồng vải thiều có nguy cơ méo mặt”, anh Tuấn chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Diệp Văn Nguyên - chủ vườn vải 2ha ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, , giá vải thiều đầu mùa năm nay dao động từ 18.000 đồng/kg đến 25.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyên, giá này ổn định giống như năm trước và sản lượng vải thiều năm nay dự kiến sẽ cho doanh thu cao hơn so với các năm khi còn dịch bệnh.
Năm 2023, tổng diện tích sản xuất vải của huyện Lục Ngạn là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến cuối tháng 7.
Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua vải thiều để xuất khẩu, nhiều thương nhân đã sớm tìm hiểu, ký kết hợp đồng, giám sát tiêu thụ vải thiều. Theo số lượng thống kê đã có hơn 200 thương nhân Trung Quốc được Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đồng ý cho vào huyện Lục Ngạn để phối hợp thu mua vải thiều.
"Các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ kết nối để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu quả vải thiều Lục Ngạn đến các thị trường tiềm năng", ông Nam cho biết.