Thực hành ESG trong doanh nghiệp để phát triển thương hiệu là cần thiết
Thực hành ESG vì môi trường xanh và phát triển bền vững F88 được chứng nhận doanh nghiệp ESG bền vững Nâng cao năng lực thực hành ESG: Ngân hàng đóng vai trò tiên phong |
Thực hành ESG trong doanh nghiệp để phát triển thương hiệu là cần thiết. |
Nhận thức của doanh nghiệp là rào cản lớn
Báo cáo sẵn sàng thực hành ESG của PwC trong doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam cho thấy 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang thiếu kiến thức về ESG, đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức.
TS Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc - UNFCCC cho rằng: Hiện tại, ở Việt Nam, xu hướng đầu tư tập trung vào ESG của doanh nghiệp được nhận định là đang tụt hậu so với xu hướng toàn cầu. Xu hướng đầu tư dựa trên yếu tố ESG tập trung vào các đối tượng cụ thể như: các tập đoàn lớn nước ngoài; các công ty niêm yết hàng đầu; các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và các doanh nghiệp ở thị trường có tính cạnh tranh cao đòi hỏi phải nâng cao thương hiệu.
Việc áp dụng và đầu tư theo hướng ESG của các doanh nghiệp tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu. Ngay cả trong các công ty thực hành ESG cũng có xu hướng chưa tìm được cách để cân bằng giữa ba yếu tố: Môi trường, Xã hội và Quản trị. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này do việc tiếp thu thông tin và định hướng phát triển kinh doanh hướng tới ESG tại Việt Nam còn chưa đầy đủ và hạn chế.
Vẫn theo TS Nguyễn Phương Nam, những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong việc thực hiện ESG bao gồm: khả năng tiếp cận thông tin hạn chế, không đủ hỗ trợ về nguồn lực và thiếu định hướng thị trường, trong đó khan hiếm thông tin là vấn đề chính mà các doanh nghiệp này phải đối mặt. Hiện tại, những hạn chế trong việc truy cập thông tin khiến nhiều công ty muốn đầu tư vào ESG không chắc chắn về cách thực hiện như thế nào trên thực tế.
Trong bối cảnh 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống quản lý kinh doanh và quản trị dữ liệu ở nhiều công ty này vẫn còn thô sơ. Trong khi đó, việc thực hiện các khoản đầu tư theo định hướng ESG bao gồm cả việc thực hiện và báo cáo ESG. Khả năng tiếp cận thông tin hạn chế có thể khiến doanh nghiệp do dự trong việc xây dựng chiến lược, xây dựng kế hoạch và tổ chức đánh giá hiệu quả của việc thực hành ESG.
Yếu tố ESG là la bàn để doanh nghiệp phát triển
TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc - UNFCCC. |
Theo TS Nguyễn Phương Nam, xu hướng đầu tư, phát triển kinh doanh tập trung vào ESG là xu hướng không thể đảo ngược trên phạm vi toàn cầu, được khẳng định bằng nội dung và cam kết của các quốc gia về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Cộng đồng doanh nghiệp là một phần không thể thiếu của cộng đồng toàn cầu. Họ cũng có trách nhiệm về những nỗ lực tập thể hướng tới sự phát triển bền vững.
Yếu tố ESG được coi là la bàn để doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và đặt ra các mục tiêu định hướng tương lai. Dựa trên những mục tiêu này của doanh nghiệp và kết quả thực hiện, Chính phủ, nhà đầu tư và người tiêu dùng có thể đánh giá toàn diện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội.
Việc thực hành và đầu tư theo hướng ESG chắc chắn sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhận ra rằng đây cũng là cơ hội đáng kể để tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi thời đại chỉ cạnh tranh dựa trên lợi thế chi phí thấp đã qua, các nhà đầu tư và người tiêu dùng đang chuyển sang tiêu dùng có chọn lọc và có trách nhiệm.
Ông Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc thực tế này và thích ứng theo hướng phát triển bền vững càng sớm càng tốt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia tư vấn chiến lược cao cấp, Chủ tịch MVV Group cho biết xây dựng văn hóa ESG trong doanh nghiệp là cần thiết, đó là công cụ phát triển thương hiệu. ESG là việc thực hành thường xuyên, do đó, khi truyền thông phải cho đối tượng liên quan hiểu là doanh nghiệp đang trong trong quá trình thực hiện. Đồng thời cần ưu tiên hoạt động truyền thông cho cộng đồng gần gũi như nhân viên, đối tác, khách hàng.
“Việc hỗ trợ họ xây dựng và thực hành tiêu chuẩn ESG là điều dễ tạo ra sự ảnh hưởng và được công nhận”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.