Sầu riêng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh
3 tháng đầu năm, Trung Quốc chi 228 triệu USD mua sầu riêng Việt Nam Rau quả tiếp tục là “điểm sáng” trong “bức tranh” xuất khẩu nông sản Xuất khẩu rau quả tăng trưởng 2 con số |
Sầu riêng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh. |
Ngày 21/6, các vựa đóng hàng xuất khẩu thông báo giá sầu riêng Monthong (Dona) loại 1 dao động khoảng 82.000 - 84.000 đồng/kg, loại 2 giá 64.000 đồng/kg; sầu riêng Ri 6 loại 1 giá 60.000 đồng/kg, loại 2 giá 45.000 đồng/kg.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 775 triệu USD, tăng 1% so với tháng trước nhưng tăng tới 16,7 % so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch 775 triệu USD là con số cao kỷ lục của ngành rau quả xuất khẩu so với cùng kỳ những năm trước.
Điều này cũng giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm đạt gần 3,5 tỉ USD, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm 2023 - mức cao kỷ lục của lịch sử ngành rau quả xuất khẩu.
Từ khi sầu riêng được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc vào cuối năm 2022, đóng góp của mặt hàng này vào nhóm ngành rau quả ngày càng lớn. Giá trị xuất khẩu rau quả tập trung vào những tháng thu hoạch sầu riêng, tức từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Những tháng còn lại chủ yếu là sầu riêng nghịch vụ nên sản lượng không nhiều.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) nhận định: Đây mới là ước tính sơ bộ, con số thực tế thường cao hơn. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong tháng 6 nhờ mặt hàng chủ lực là sầu riêng khu vực Đông Nam bộ vào vụ thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng khác cũng xuất khẩu tốt đặc biệt là thanh long và chuối.
Hiện tại, vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước là Tây nguyên vẫn chưa vào vụ thu hoạch. Khi vùng này vào vụ, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sẽ còn tăng cao. "Với đà tăng trưởng như hiện tại, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2024 có thể vượt 7 tỉ USD", ông Nguyên dự báo.
"Điều đáng chú ý là mới đây Trung Quốc đã cấp phép cho sầu riêng tươi Malaysia nhập khẩu chính ngạch vào nước này và trước đó là Philippines. Nghĩa là Trung Quốc muốn đa dạng hóa nguồn cung sầu riêng. Tuy nhiên chúng ta cũng không cần quá lo vì sản lượng của 2 nước này hạn chế và tính mùa vụ cao. Vấn đề của VN là cần phải tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm của mình để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra", ông Nguyên nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mười phân tích: Trước kia thị trường sầu riêng của Trung Quốc chỉ có Thái Lan một mình một chợ. Sau đó là sự tham gia của VN và hiện nay thêm 2 nước nữa. Điều này cho thấy tính cạnh tranh của các nguồn cung ngày càng gay gắt. Dù hiện tại họ chưa phải đối thủ lớn nhưng nếu xuất khẩu thuận lợi thì bà con nông dân của họ cũng mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu.
Để duy trì tính ổn định và bền vững cho sầu riêng Việt Nam theo ông Nguyễn Văn Mười thì không có cách nào khác là phải tập trung nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm. Phải bắt đầu từ ý thức của người dân, hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng được cơ chế chính sách phù hợp để kiểm soát quy trình từ vườn tới bàn ăn. Có như vậy, xuất khẩu sầu riêng mới bền vững.
Doanh nghiệp nên làm gì để xuất khẩu nông sản vào ASEAN đạt tỷ USD? |
Ngành rau quả có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới |
Nông lâm thủy sản: Điểm tên 5 nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD |