Nhiều nông sản Việt bị EU cảnh báo tồn dư hóa chất, kháng sinh
Cảnh báo tình trạng gian lận mã số vùng trồng sầu riêng gia tăng Giá sầu riêng lao dốc sau cảnh báo từ Trung Quốc? EU cảnh báo đối với 12 sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam |
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU” Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 24/2.
2 tháng nhận 16 cảnh báo
![]() |
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Ảnh: VGP |
TS Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, chỉ 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 16 cảnh báo về nông, thủy sản tồn dư hóa chất, kháng sinh - cao nhất châu Á.
Theo ông Nam, Việt Nam là quốc gia bị cảnh báo nhiều nhất châu Á từ EU, tiếp theo là Thái Lan với 6 cảnh báo, Indonesia và Hàn Quốc mỗi nước 2 cảnh báo.
Các vi phạm chủ yếu liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc tố nấm mốc và chất phụ gia, kháng sinh. Trong đó, 5 cảnh báo liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, 1 về độc tố nấm mốc, 2 về chất phụ gia, còn lại là các vi phạm về ô nhiễm môi trường và sản phẩm mới.
Đáng báo động, thủy sản Việt Nam thường xuyên bị cảnh báo về tồn dư kháng sinh, trong khi rau quả bị dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều loại trái cây không đảm bảo thời gian cách ly, dẫn đến khi xuất khẩu vẫn còn tồn dư hóa chất. Trong số 16 cảnh báo đầu năm, Việt Nam đã phải tiêu hủy 3 lô hàng, thu hồi 9 lô và xử lý 4 lô theo các biện pháp khác.
Năm ngoái, Việt Nam cũng nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng 70% so với năm 2023.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là nông dân chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn mới từ EU. Ngoài ra, tình trạng thiếu đồng bộ trong kiểm soát vùng nguyên liệu và giám sát chuỗi cung ứng cũng góp phần gia tăng vi phạm.
Ngoài vi phạm về chất lượng sản phẩm, theo TS Tôn Nữ Thục Uyên - Quyền giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, một số sản phẩm thực phẩm mới cũng bị cảnh báo do ghi nhãn chưa đúng quy định của EU. Theo đó, sản phẩm có chứa thịt, sữa và lúa mì phải ghi rõ nguồn gốc của từng thành phần qua các công đoạn chế biến khác nhau. Việc thiếu minh bạch có thể dẫn đến cảnh báo hoặc thu hồi hàng hóa.
Một nguyên nhân nữa được ông ông Nguyễn Văn Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk đề cập đó là Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn cụ thể cho các nông sản chủ lực xuất khẩu, gây khó khăn trong tuyên truyền và kiểm soát. Tại Đăk Lăk, Sở nhận nhiều văn bản chỉ đạo nhưng thiếu thống nhất, khiến việc hướng dẫn doanh nghiệp và nông dân gặp lúng túng.
Cần cập nhật thay đổi các quy định của EU thường xuyên
![]() |
Đối với sản phẩm hạt é khô, Việt Nam đã nhận 2 cảnh báo trên hệ thống RASFF về sản phẩm này, với lí do “thực phẩm mới chưa được cấp phép” |
EU là thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao. Các sản phẩm phải đáp ứng các quy định SPS (kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch, phụ gia thực phẩm…) và TBT (rào cản kỹ thuật thương mại), với dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực phẩm thấp.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các quy định của EU sẽ được thay đổi liên tục. Cụ thể, Quy định (EU) 2020/2235 về mẫu giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung 15 lần; Quy định EU 2017/625 về kiểm soát chính thức cụ thể đối với một số loại động vật, hàng hóa đã bị thay thế bởi Quy định 2022/2292 (06/9/2022) và đến nay sửa đổi 2 lần; Quy định 2021/404 về kiểm dịch thú y, sửa đổi bổ sung 112 lần.
“Các doanh nghiệp cần cập nhật thay đổi các quy định của EU thường xuyên, Liên hệ Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về các thay đổi,” bà Huyền nói.
Phân tích chi tiết hơn về việc xuất khẩu nông lâm thủy sản sang EU, ông Nam cho rằng EU không quy định về khối lượng hàng khi kiểm tra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram cũng bị kiểm tra và cảnh báo nếu vi phạm.
“Với nhóm hàng đã bị EU cảnh báo ở mức độ cao, nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho nhập vào,” ông Nam nhấn mạnh.
Trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp mắc sơ suất thường thuộc nhóm nhỏ và vừa. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, nhất là khối FDI thì đều có bộ phận kỹ thuật chuyên trách nên nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi của thị trường.
Để đảm bảo tuân thủ các quy định SPS và nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu, ông Nam cho rằng cần có đồng thuận và nỗ lực của tất cả các bên. Nếu cơ quan quản lý nỗ lực nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã không cố gắng thì cũng thất bại và ngược lại.
"Thực phẩm mới" là bất kỳ loại thực phẩm nào không được sử dụng để tiêu thụ cho con người ở mức đáng kể trong Liên minh châu Âu trước ngày 15/5/1997. Chi tiết được nêu tại Quy định (EU) 2015/2283. Danh sách thực phẩm mới được cấp phép tại Quy định (EU) 2018/1023. Hiện nay, mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU của Việt Nam thuộc thực phẩm mới gồm: Hạt é khô và các sản phẩm nước ngọt hương vị trái cây có chứa hạt é, thịt ốc bươu… Trong khi đó, "sản phẩm hỗn hợp" nếu chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật, thì nguyên liệu từ động vật phải nằm trong danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sản phẩm động vật vào EU. EU cũng đã ban hành quy định mới về nhóm sản phẩm tổng hợp tại Quy định (EC) 2022/2292 và có hiệu lực từ ngày 15/12/2022. EU quy định những sản phẩm có thành phần từ động vật đã qua chế biến và các nguyên liệu thực vật làm thay đổi đặc tính của sản phẩm nguồn gốc động vật được coi là sản phẩm tổng hợp. |
Ngày 20/2, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1407/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về thông tin báo chí phản ánh "Thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo." Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao khẩn trương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nhằm tăng cường thông tin, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu thường xuyên cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật, tránh tình trạng bị cảnh báo về an toàn thực phẩm. |
![]() |
![]() |
![]() |
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Giá tiêu tăng đến 3.000 đồng/kg trong tuần qua

Giá cà phê sẽ vượt qua mức đỉnh lịch sử trong tuần này?

Giá heo hơi tiếp tục tăng nhanh, miền Nam chạm mốc 77.000 đồng/kg

Đầu năm 2025, sức mua ô tô của người Việt giảm mạnh

Giá cà phê đang tiến sát mốc kỷ lục

Thị trường heo hơi bứt phá mạnh, liệu đà tăng có kéo dài?

Giá tiêu tăng nhẹ từ 1.000 đồng/kg

Giá tiêu trong nước mất 500 – 1.000 đồng/kg

Giá cà phê biến động trái chiều trên 2 sàn
