Cảnh báo tình trạng gian lận mã số vùng trồng sầu riêng gia tăng
Giá sầu riêng trái vụ giảm sâu dù nguồn cung khan hiếm Xuất khẩu sầu riêng dự kiến thu về trên 3,2 tỷ USD trong năm 2024 EU tăng tần suất kiểm tra sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam |
Cảnh báo tình trạng gian lận mã số vùng trồng sầu riêng gia tăng. |
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) vừa thông báo phản ánh một số đối tượng đã gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền, sử dụng mã số với các con dấu tự chế, chữ ký giả... để qua mặt các cơ quan chức năng thông quan lô sầu riêng sang Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Vinafuit - cho biết hiệp hội nhận được nhiều đơn tố cáo từ doanh nghiệp về các vi phạm này. Gần đây, Công ty TNHH Vina T&T bị làm giả mã số cơ sở đóng gói (mã VN-BTPH-036) để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Theo đó, một nhóm người đã giả mạo chữ ký và con dấu của ông Võ Hữu Trường, người đứng đầu chi nhánh Vina T&T Bến Tre, để ký hợp đồng ủy quyền xuất khẩu với Công ty TNHH Eruka Marketing, vào ngày 10/12/2024. Văn bản giả mạo còn được sử dụng để ủy quyền trái pháp luật cho nhiều doanh nghiệp khác, dẫn đến nhiều lô hàng mang mã số giả được thông quan.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T, khẳng định công ty chưa từng sở hữu con dấu hoặc ủy quyền sử dụng mã số này. Ông lo ngại khi các lô hàng gian lận vẫn được thông quan, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp
Vinafuit đánh giá hành vi vi phạm nghiêm trọng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành sầu riêng Việt Nam, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế mà còn gây thiệt hại lớn cho những nhà sản xuất, xuất khẩu sầu riêng chân chính.
"Các cơ quan chức năng nước nhập khẩu có thể siết chặt kiểm soát đối với sầu riêng Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp vì nguy cơ phía Trung Quốc thu hồi mã số đã cấp do vi phạm chất lượng", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafuit nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, Vinafuit đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sau khi xử lý cần công bố thông tin doanh nghiệp vi phạm để dư luận biết.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để cùng nhau chống lại hành vi gian lận thương mại.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã đạt 3,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ sầu riêng Việt Nam, chiếm 90% tổng kim ngạch, tương đương hơn 2,8 tỷ USD. Mức tiêu thụ này cũng đã tăng 43% so với cùng kỳ ngoái. Thái Lan là thị trường đứng thứ 2, nhập khoảng 177 triệu USD sầu riêng từ Việt Nam, tăng 82%. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu trái sầu Việt Nam lần lượt 16% và 85% so với năm ngoái. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, sầu riêng Việt xuất sang thị trường Campuchia đã tăng 139 lần, đạt gần 3 triệu USD. |