Người trồng vải lỗ, doanh nghiệp xuất khẩu không dám chốt đơn
Ngày mai (14/5), vải thiều Thanh Hà 'bay' sang Australia Chỉ trong 2 ngày, giá mỗi cân vải tăng tới 15.000 đồng Vải thiều Thanh Hà lên kệ siêu thị tại Úc, giá gần 600.000 đồng/kg |
Thời điểm này, người tiêu dùng đã có thể được thưởng thức những quả vải đầu mùa hay còn gọi là vải sớm. Ảnh: VOV. |
Sản lượng giảm mạnh
Năm 2024, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang duy trì sản xuất hơn 17.000ha vải, do ảnh hưởng của thời tiết, dự kiến sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn, trong đó vải chính vụ giảm gần 70% sản lượng so với năm ngoái.
Là một trong số những vườn vải hiếm hoi vẫn sai quả trên địa bàn xã Tân Mộc, Lục Ngạn, vườn vải của gia đình anh Tô Ngọc Thành, ở thôn Tân Thành với 200 gốc vải dự kiến cho thu về khoảng 8 tấn.
Anh Thành cho biết so với mọi năm sản lượng vải của gia đình anh năm nay cũng sụt giảm, nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều nhà bị mất trắng.
Với tình hình hiện nay, dự kiến giá vải sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái. Để bù đắp sản lượng vải sụt giảm, anh Thành đang tập trung chăm sóc kỹ lưỡng cho diện tích vải sắp cho thu hoạch để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá thành; trong đó tập trung cao vào phòng trừ sâu bệnh với việc sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo cho vải thiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2024 là 29.700ha, sản lượng ước trên 100.000 tấn (bằng khoảng 50% so với năm 2023); trong đó, đối với vải chín sớm diện tích 7.700ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải chính vụ diện tích 22.000ha, sản lượng ước 50.000 tấn; vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.600ha, sản lượng ước 50.000 tấn; duy trì vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82ha, sản lượng ước 500 tấn.
Hiện, các cấp chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chăm sóc, thu hái để chất lượng vải thiều đạt cao nhất.
Thống kê của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, hiện cả nước có trên 56.000 ha vải với các tỉnh trồng vải chủ yếu là Bắc Giang (29.600 ha), Hải Dương (8.800 ha), Lạng Sơn (1.400 ha), Hưng Yên, Quảng Ninh (1.300 ha).
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, sản lượng vải năm nay đạt khoảng 200.000 tấn, giảm khoảng 50% so năm ngoái. Trong đó, Bắc Giang đạt khoảng 100.000 tấn (bằng 50% so năm trước), Hải Dương đạt khoảng 45.000 tấn (bằng 77% so năm trước). Riêng Hưng Yên chủ yếu trồng vải sớm nên sản lượng tương đương năm ngoái.
Theo Cục Trồng trọt, nguyên nhân sản lượng vải giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết bất thường. Từ cuối năm ngoái đến nay, do ảnh hưởng của El Nino nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng nên nhiệt độ trung bình năm nay cao hơn 1,5 độ C so bình quân nhiều năm. Các đợt rét đến muộn, kèm theo mưa nhỏ kéo dài, độ ẩm không khí cao làm cho tỷ lệ ra hoa của vải thiều thấp.
Trước tình hình này, hiện các địa phương (Hải Dương, Bắc Giang...) đã tích cực làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu; chuẩn bị các điều kiện về sơ chế đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Canada, Australia, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan...
Người trồng thua lỗ, doanh nghiệp không dám chốt đơn
Vải thiều năm nay của Bắc Giang, Hải Dương năm nay mất mùa. |
Anh Huy ở Bắc Giang cho biết hồi cuối năm đã nhìn thấy hoa vải nhưng chỉ sau một trận mưa rét thì hư hết. Với 300 gốc, sản lượng giảm hơn 90%. "Mùa vải năm nay coi như mất trắng, dù giá có cao cũng thua lỗ", anh Huy cho hay.
Chăm sóc bài bản và theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAp nhưng anh Giang ở xã Thanh Sơn cũng không tránh khỏi cảnh mất mùa. Theo anh Giang, 5 ha vải nhà anh năm nay sản lượng dự kiến giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Với mức giá mà các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua tăng gấp rưỡi, dự kiến doanh thu bằng 80% của năm ngoái.
Không chỉ các hộ trồng ở Bắc Giang, tại Hưng Yên, Hải Dương và các vùng Tây Nguyên cũng phải chịu cảnh mất mùa. Sản lượng giảm tới 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Đồng Thị Thu Hương - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến (Hưng Yên), cho biết 400 ha vải lai của hợp tác xã năm nay giảm 50% sản lượng. Nếu năm ngoái hợp tác xã bán xô cả vườn với giá 15.000 đồng một kg vải lai, năm nay đang được các đơn vị phân phối trả 23.000-25.000 đồng.
"Ước tính doanh thu vụ năm nay của toàn hợp tác xã giảm 20-30% so với cùng kỳ do sản lượng giảm mạnh bất chấp giá tăng cao", bà Hương thông tin.
Bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam - cho biết, thời điểm này sắp bắt đầu vào vụ thu hoạch chính vụ vải thiều, song không khí năm nay trầm lắng hẳn so với mọi năm. Tại các hợp tác xã và vùng trọng điểm vụ vải, hoạt động thu mua ảm đạm hơn do người dân có rất ít hàng để bán.
Theo bà Hồng, do ảnh hưởng của thời tiết, hiện các vùng vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang đều mất mùa nặng, điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó trong thu mua nguyên liệu.
“Dù sản lượng vải thiều xuất khẩu đặt hàng từ các đối tác tăng 20% so với năm ngoái, doanh nghiệp không dám chốt bởi lo không đủ hàng giao cho khách", bà Hồng nói và cho rằng với tình hình này, doanh thu từ xuất khẩu vải năm nay của công ty có thể sẽ giảm tới 30-40% so với mọi năm.
Hải Dương chủ động tăng cường xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà |
Vì sao giá vải thiều Tây Nguyên cao chót vót? |
Ngày mai (14/5), vải thiều Thanh Hà 'bay' sang Australia |