Giá xăng dầu hôm nay 3/7/2022: Tuần biến động mạnh
Giá xăng dầu hôm nay 2/7/2022: Giá dầu tăng vọt Giá xăng giảm từ 110 - 410 đồng/lít Giá xăng dầu hôm nay 1/7/2022: Giá dầu thô đảo chiều tăng mạnh |
Giá xăng dầu thế giới
“Vàng đen” bắt đầu tuần theo đà trượt giá của tuần trước do lo ngại suy thoái toàn cầu bởi tác động của việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất.
Sau khi chịu mức lỗ chưa được bao lâu, cả hai mặt hàng dầu Brent và WTI đã nhanh chóng quay đầu, leo dốc tới gần 2 USD do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn nữa sau khi các nước G7 hứa sẽ tăng sức ép lên Nga bằng cách hạ giá năng lượng.
Giá xăng dầu hôm nay 3/7/2022: Tuần biến động mạnh |
Nhà phân tích Vivek Dhar của Commonwealth Bank of Australia lưu ý rằng không có gì để ngăn cản Nga cấm xuất khẩu dầu và sản phẩm tinh chế sang các nền kinh tế G7 để đối phó với mức trần giá mà các nhà lãnh đạo G7 đề xuất đối với dầu nhập khẩu của Nga. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên thị trường dầu và sản phẩm tinh chế toàn cầu.
Động thái này của G7 nếu được áp dụng sẽ buộc nhiều nước phải tìm kiếm các nguồn cung dầu thô mới. Tuy nhiên, trong khi các nước OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng thì việc bổ sung thêm nguồn cung dầu từ Iran, Venezuela cần phải có các cuộc đàm phán bởi cả 2 quốc gia này đều đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đồng USD suy yếu cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu ngày 28/6 tăng mạnh.
Giá dầu đã kéo dài mức tăng trong khoảng 2-3 USD trong phiên giao dịch ngày 28/6 khi các nhà sản xuất lớn như Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dường như không thể tăng sản lượng đáng kể trong khi các chính phủ phương Tây tìm cách áp mức giá trần đối với dầu của Nga. Giá dầu Brent đã tăng lên đến 118 USD/thùng, WTI chạm 111,76 USD/thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Suhail al-Mazrouei cho biết UAE đang sản xuất gần công suất tối đa dựa trên hạn ngạch 3,168 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+).
Theo các nhà phân tích, bất ổn chính trị vẫn chưa đến hồi kết ở Ecuador và Libya có thể sẽ thắt chặt nguồn cung hơn nữa.
Sau hai ngày leo dốc tới gần 5 USD, tại phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá “vàng đen” đã hạ nhiệt khoảng 2% do dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng và lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm trên toàn thế giới đã chiếm ưu thế so với những lo ngại liên tục về nguồn cung dầu thô đang ngày một thắt chặt. Cụ thể, giá dầu thô Brent còn 116,3 USD/thùng, WTI còn 109,78 USD/thùng.
Với những diễn biến trong tuần giao dịch từ ngày 27/6, giá dầu tuần tới được dự báo sẽ tiếp tục leo dốc khi mà nguồn cung dầu thô không được cải thiện, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu được dự báo sẽ phục hồi mạnh vào mùa hè nắng nóng khắc nghiệt và mùa du lịch tại các nước vào cao điểm.
Giá xăng dầu trong nước
Ngày 1/7, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành từ ngày 1/7.
Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm 410 đồng/lít; xăng RON 95-III giảm 110 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 400 đồng/lít, dầu hỏa 430 đồng/lít; dầu mazut giảm 1.010 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ không chi quỹ bình ổn với xăng dầu, trích lập quỹ đối với xăng E5 RON 92 là 100 đồng/lít và dầu hỏa 300 đồng/lít, mazut 800 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 30.891 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 32.763 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 29.615 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 28.353 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 19.722 đồng/kg.