Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến là bao nhiêu?
Nguyên nhân nào khiến tàu Cát Linh - Hà Đông đang chạy bỗng dừng đột ngột? Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy lại từ hôm nay Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến hoàn thành năm bao nhiêu? |
Tổng mức đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỉ USD
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định đã cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).
Tổng mức đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỉ USD. (Ảnh minh họa) |
Về công nghệ, Bộ GTVT cho biết, bộ kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray.
Về lựa chọn tốc độ thiết kế, phía Bộ GTVT cho rằng, tốc độ 350km/h phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc-Nam của nước ta.
Ngoài ra, theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - TPHCM, tốc độ 350km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h; chi phí đầu tư tốc độ 350km/h cao hơn tốc độ 250km/h khoảng 8-9%.
Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h là khó khả thi và không hiệu quả.
Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã rà soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỉ USD (khoảng 1,713 triệu tỉ đồng).
Giá vé bằng 75% giá vé máy bay mức rẻ
Để rút ngắn thời gian thực hiện và huy động tối đa nguồn lực, các nhà thầu trong nước tham thực hiện dự án, Chính phủ dự kiến phân chia thành 4 dự án thành phần và đồng thời triển khai.
Cụ thể, dự án thành phần 1 gồm đoạn từ ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội) đến ga Vinh (tỉnh Nghệ An) có tổng chiều dài khoảng 281 km; dự án thành phần 2 đoạn từ ga Vinh (tỉnh Nghệ An) đến ga Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) có tổng chiều dài khoảng 420 km.
Dự án thành phần 3 đoạn từ ga Đà Nẵng (TP Đà Nẵng) đến ga Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) có tổng chiều dài khoảng 480 km; dự án thành phần 4 đoạn từ ga Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) đến ga Thủ Thiêm (TPHCM) có tổng chiều dài khoảng 360 km.
Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 sắp tới, dự án đặt mục tiêu triển khai giải phóng mặt bằng toàn tuyến và khởi công các dự án thành phần cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035 với tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,3 tỷ USD).
Về thời gian thực hiện, tư vấn kiến nghị đầu tư toàn tuyến với tiến độ như sau: Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024. Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025 - 2026. Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM cuối năm 2027. Khởi công đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029. Phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035. |