Giá gạo xuất khẩu chấm dứt chuỗi đà giảm
Giá lúa gạo hôm nay ngày 11/3: Tiếp tục xu hướng đi ngang Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm Philippines dự kiến nhập đến 4,1 triệu tấn gạo, thời cơ xuất khẩu gạo Việt Nam |
Giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ. |
Giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.800 đồng/kg, giá bình quân là 7.679 đồng/kg, tăng 86 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 125 đồng/kg, ở mức 8.808 đồng/kg; giá cao nhất là 9.250 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.300 đồng/kg, giá bình quân 13.971 đồng/kg, tăng 164 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 14.100 đồng/kg, giá bình quân 13.758 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.900 đồng/kg, giá bình quân 13.492 đồng/kg, tăng 242 đồng/kg.
Giá gạo xát trắng loại 1 tăng 125 đồng/kg, giá trung bình là 13.838 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 tăng 92 đồng/kg, trung bình là 11.467 đồng/kg.
Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, nhiều loại lúa tăng từ 200-300 đồng/kg. Điển hình như Đài thơm 8 từ 7.800-8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 18 từ 7.800-8.100 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.700-7.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; IR 50404 từ 7.400-7.500 đồng/kg; OM 5451 từ 7.600-7.700 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; riêng lúa Nhật ổn định từ 7.800-8.000 đồng/kg.
Về nếp, lúa nếp tươi Long An dao động quanh mốc 7.700-8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa nếp 3 tháng tươi ở mức 7.900-8.200 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000-16.500 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Hiện nay, một số địa phương đã thu hoạch xong diện tích lúa Đông Xuân 2023-2024 và đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Hè Thu. Đến ngày 15/3 tỉnh Đồng Tháp xuống giống vụ lúa Hè Thu hơn 60.000ha.
Để đạt năng suất cao vụ lúa Hè Thu năm 2024, tỉnh Đồng Tháp thực hiện cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao như giống lúa Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, Jasmine 85, VD 20, lúa Nhật, Nàng hoa 9… đồng thời hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ, thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.
Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm xâm nhập mặn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân tuyệt đối không xuống giống lúa ở các vùng tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 585 USD/tấn, tăng so với mức 580 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại TP. Hồ Chí Minh cho biết giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ sau khi giá lúa trong nước tăng, do các nhà xuất khẩu và các nhà chế biến đẩy mạnh mua vào.
Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ đã rời khỏi mức cao kỷ lục trong tuần này, trong bối cảnh các khách hàng muốn tìm kiếm nguồn cung rẻ hơn. Còn đồng baht yếu đã gây sức ép lên giá gạo Thái Lan.
Gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức từ 548-555 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 552-560 USD/tấn của tuần trước.
Một đại lý tại Mumbai cho biết, các khách hàng châu Phi, vốn do dự về mức giá hiện tại, đang tìm kiếm những lựa chọn thay thế rẻ hơn.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 615 USD/tấn trong ngày 14/3, giảm so với mức 620-622 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân cho rằng sự sụt giảm này là do đồng baht suy yếu và sự cạnh tranh từ Việt Nam.
Một thương nhân tại Bangkok cho biết có một số nhu cầu từ các thị trường như Indonesia và Philippines, nhưng không có giao dịch quy mô lớn.
Cánh cửa thị trường đã mở
Theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. |
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, khi cánh cửa thị trường đã mở, sau đó vẫn có những hàng rào kỹ thuật, câu chuyện tiêu chuẩn xanh, hay xanh hóa sản xuất là thông điệp được nhắc đến trong suốt năm 2023. "Chúng tôi cũng hi vọng rằng trong năm 2024 này, các doanh nghiệp có thể biến chuyển và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa mà các thị trường đã đặt ra, để từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại các thị trường truyền thống và mở rộng tại các thị trường mà chúng ta có ký các FTA. Khi đó, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao hơn trong năm 2024 này", chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo thống kê, trong nửa đầu tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn, tuy nhiên, kim ngạch tăng gần 20 triệu USD. Đáng chú ý, nửa đầu tháng 1/2024, bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu thu về khoảng 693 USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 507 USD/tấn. Như vậy, trị giá xuất khẩu gạo bình quân tăng tới 36,68%.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch COVID-19 còn tác động kéo dài. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Đơn hàng phục hồi nhưng xuất khẩu hàng hóa đối diện thách thức mới, trong đó, Biển Đỏ "nổi sóng" đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen như nêu trên, một trong những nhiệm vụ được chỉ ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ đó là tăng cường công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược.
Theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Trong khi đó, nhu cầu vẫn tăng trong dịp lễ Tết. Những yếu tố này sẽ tạo động lực cho giá gạo tăng cao hơn nữa.
Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, "Dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên".
Cần làm gì để nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng có lãi? |
Giá lúa gạo đã quay đầu tăng và được dự báo khó giảm trở lại |
Giá lúa gạo hôm nay ngày 8/3/2024: Giá gạo đẹp nhích nhẹ |