Giá lúa gạo đã quay đầu tăng và được dự báo khó giảm trở lại
Xuất khẩu gạo năm 2024 - Cơ hội song hành cùng thách thức Cần làm gì để nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng có lãi? Thủ tướng yêu cầu xuất khẩu lúa, gạo bền vững, hiệu quả trong tình hình mới |
Đầu tháng 3, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam giảm 6 USD/tấn . |
Giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua liên tục giảm mạnh. Tính đến đầu tháng 3, gạo loại 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 594 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn và Ấn Độ 13 USD/tấn. Trong khi đó, gạo loại 25% tấm giao dịch khoảng 570 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan 7 USD/tấn.
Chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 43 USD/tấn và giảm 69 USD so với đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12 năm ngoái.
Các doanh nghiệp cho biết giá gạo xuất khẩu giảm chủ yếu do Việt Nam bước vào vụ Đông Xuân thu hoạch rộ và các nước nhập khẩu có tâm lý muốn chờ giá xuống mới ký hợp đồng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đến trung tuần tháng 2, cả nước đã gieo cấy được hơn 2,6 triệu ha lúa Đông Xuân, bằng 99,6% so cùng kỳ năm trước.
Diện tích lúa đã thu hoạch ước đạt 598.000 nghìn ha, bằng 97,8% cùng kỳ; sản lượng lúa ước trên diện tích thu hoạch đạt 3,2 triệu tấn, bằng 98,7% so với cùng kỳ; năng suất bình quân ước đạt 53,7 tạ/ha, bằng 101% cùng kỳ năm trước.
Tại thị trường trong nước, giá lúa tháng 2-2024 có xu hướng giảm tại các tỉnh ĐBSCL. Tại An Giang, giá thu mua lúa IR50404 tươi bình quân tháng 2 là 8.177 đồng/kg, giảm 11,8% so với tháng 1-2024 nhưng tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2023; giá thu mua lúa OM5451 tươi bình quân tháng 2 đạt 8.317 đồng/kg, giảm 9,8% so với tháng 1-2024 nhưng tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Tiền Giang, giá lúa thường bình quân tháng 2 ở mức 7.400 đồng/kg, giảm 1,2% so với tháng 1-2024 nhưng tăng 19,4% so với cùng kỳ 2023.
Chuyên gia dự báo khó giảm trở lại
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
Dẫn số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023- 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023 nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực.
Nhận diện tình hình thương mại gạo toàn cầu năm 2024, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường này đang tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước...), ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia. Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất-chiếm 40% thị trường toàn cầu. Vì vậy, quốc gia này chỉ cần có bất kỳ động thái nào đều tác động trực tiếp ngay tới giá lúa gạo. Năm 2024, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu. Lượng tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo ở mức 167,2 triệu tấn, giảm 8,6 triệu tấn so với niên vụ trước và là lượng tồn kho thấp nhất trong 6 niên vụ trở lại đây.
Philippines là thị trường tiêu thụ lớn nhất của ngành hàng gạo Việt Nam. Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, theo các dự báo, gạo Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí số 1 tại Philippines và dư địa cũng như cơ hội vẫn còn để doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta tiếp tục khai thác mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Tương tự, tại Indonesia-quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết: Trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường này đang tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính đến tháng 2-2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Ông Phạm Thế Cường dự báo, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17-1-2024 vừa qua (trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Chủ tịch Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) xác nhận giá xuất khẩu gạo 5% tấm gần đây được giao dịch quanh mức 590-600 USD/tấn nhưng thị trường đang có xu hướng đi lên. Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước ở mức cao.
"Khoảng 3 ngày gần đây, giá gạo và nếp thu mua tăng từ 300 – 400 đồng/kg và xu hướng này đang tiếp tục khi liên tục có thông tin tốt về thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh thu mua vì không thể chờ thêm được nữa. Thị trường đã thiết lập giá đáy nên không thể giảm được nữa" – ông Đôn dự báo.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, đến nay cả nước đã thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Cả năm 2024, theo kế hoạch Việt Nam sẽ gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, dự tính sản lượng vẫn trên 43 triệu tấn lúa.
Căn cứ theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm nay, nếu nhu cầu tăng cao, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh theo hướng tăng diện tích vụ Thu Đông lên khoảng 700.000 ha như năm 2023, còn vụ Đông Xuân và Hè Thu nếu tăng cũng không đáng kể.
Theo ông Cường, thị trường lúa gạo có biên độ hẹp và biến động rất nhanh, do đó doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin, dự báo thị trường để chốt giá, chốt hợp đồng xuất khẩu với giá tốt nhất và mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cho nông dân sản xuất lúa.
"Rút bài học từ năm ngoái, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu", ông Cường chia sẻ.
Những dấu ấn của Ngành Nông nghiệp trong năm 2023 |
Yếu tố tâm lý khiến giá lúa gạo giảm mạnh sau Tết? |
Indonesia nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam |