Giá dầu thô có tuần lao dốc mạnh
Dầu thô có tuần lao dốc mạnh |
Giá dầu thô bước vào đầu tuần giao dịch từ ngày 5/12 với xu hướng tăng trước thông tin Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và lo ngại nguồn cung thiếu hụt.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã không được duy trì khi ngay cuối phiên giao dịch ngày 5/12, trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu được dấy lên, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.
Giá dầu ngày 6/12 tăng nhẹ sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết động thái của phương Tây cấu thành sự can thiệp thô bạo, đi ngược lại các quy tắc thương mại tự do và sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu bằng cách gây ra tình trạng thiếu nguồn cung.
“Chúng tôi đang nghiên cứu các cơ chế để ngăn chặn việc sử dụng công cụ trần giá ở bất kỳ mức nào được thiết lập, vì sự can thiệp như vậy có thể gây bất ổn hơn nữa cho thị trường”, ông Alexander Novak cho hay.
Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi theo các điều kiện thị trường, ngay cả khi chúng tôi phải cắt giảm sản lượng”.
Giới phân tích, động thái trên của Nga có thể đẩy thị trường dầu mỏ vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, đặc biệt khi Trung Quốc vừa thông báo nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu ngày 6/12 cũng bị hạn chế bởi đồng USD phục hồi và lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra sẽ đẩy giá dầu, giá khí đốt leo thang, qua đó làm chậm, thậm chí kéo kinh tế toàn cầu vào trạng thái suy thoái.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục gia tăng trong phiên giao dịch ngày 7/12 do lo ngại bất ổn kinh tế và đồng USD mạnh hơn.
Nền kinh tế Mỹ tuy đã được ghi nhận mức tăng trưởng vượt dự báo trong quý III/2022, đạt 2,9% so với 2,6%, nhưng vẫn được cảnh báo có nguy cơ rơi vào suy thoái khi Fed vẫn xem xét thực hiện thêm các đợt tăng lãi suất mới. Hiện thị trường đang dự báo về khả năng Fed sẽ tăng thêm 50 điểm phần trăm lãi suất vào phiên họp chính sách ngày 14/12 tới.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần tính đến ngày 2/12, tồn kho các sản phẩm chưng cất của nước này đã tăng 6,2 triệu thùng, vượt xa con số dự báo 2,2 triệu thùng; tồn kho tăng 5,3 triệu thùng so với kỳ vọng tăng 2,7 triệu thùng; dữ trữ dầu thô giảm 5,2 triệu thùng.
Viện Dầu khí Mỹ (API) trước đã đã đưa dự báo dự trữ dầu thô của nước này giảm khoảng 6,4 triệu thùng.
Tại châu Âu, quyết định áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga đang gây ra những phản ứng gay gắt từ phía Nga khi gần như ngay lập tức sau khi mức giá trần được công bố, Nga đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho các nước thực hiện quyết định này.
Nga cũng được cho là đã có kế hoạch giảm sản lượng dầu vào đầu năm sau và thực hiện tái cấu trúc, sắp xếp lại đội tàu chở dầu cũng như làm việc với các nhà sản xuất về kế hoạch này.
Tại Trung Quốc, bất chấp thông báo về việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch của nước này, giới đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng về triển vọng tiêu thụ dầu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Đà giảm của giá dầu thô chỉ bị chặn lại khi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc phục hồi mạnh cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên. Ở diễn biến mới nhất, sau khi nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch, Trung Quốc được cho sẽ sớm mở cửa trở lại nền kinh tế khi sắp thông báo gỡ bỏ một số biện pháp chống dịch.
Thống kê trong tháng 11/2022 cho thấy, lượng dầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 12% so với cùng kỳ 2021, đạt mức cao nhất 10 tháng.
Giá xăng trong nước được dự báo sẽ giảm mạnh theo giá dầu thế giới |
Ở diễn biến khác, Ả Rập Xê-út đã quyết định giảm giá dầu thô sẽ bán cho châu Á vào tháng 1/2023 xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, trong bối cảnh có dấu hiệu nhu cầu mờ nhạt tại thị trường nhập khẩu dầu quan trọng nhất thế giới.
Giá dầu tiếp tục có xu hướng leo dốc trong phiên 8/12 nhưng ở mức hạn chế, không đủ bù đắp cho các mức giảm đã thiết lập trong các phiên giao dịch trước đó. Và thực tế, trong phiên giao dịch ngày 9/12, khi những lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu trong bối cảnh áp lực suy thoái kinh tế lại được dấy lên, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh, trượt về mức thấp nhất trong năm.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất mới vào cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 13-14/12 tới. Mức tăng lãi suất sẽ vào khoảng 50 điểm phần trăm. Điều này được dự báo sẽ kéo theo một đợt tăng lãi suất mới của các ngân hàng trung ương, qua đó sẽ làm gia tăng các chi phí cho các hoạt động kinh tế.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm, qua đó đưa lãi suất lên 2%.
Dữ liệu về sản xuất toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm nhanh, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của hầu hết các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc đều thấp hơn 50 điểm. Đây được xem là chỉ báo tiêu cực đối với hoạt động sản xuất công nghiệp toàn cầu, thương mại quốc tế suy giảm.
Khép tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 71,59 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 76,70 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.679 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 22.704 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.213 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 23.562 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.953 đồng/kg.