Bánh kẹo Việt chiếm lĩnh thị trường Tết Giáp Thìn
Bánh kẹo Việt chiếm lĩnh thị trường Tết Giáp Thìn. |
Hàng Việt chiếm ưu thế từ chợ đến siêu thị
Đến hẹn lại lên, cận Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường bánh, mứt, kẹo trở nên sôi động.
Tại hệ thống bán lẻ Hà Nội như: Big C Thăng Long, AEON Mall, Co.opmart, Lotte Mart, WinMart… cho thấy, thời điểm này ở khu vực bán bánh kẹo đã trưng bày rất nhiều sản phẩm với sự đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và hình thức. Các kênh bán lẻ này đều ưu tiên quầy kệ cho hàng sản xuất của thương hiệu trong nước như: Bibica, Kinh Đô, Hữu Nghị, Hà Nội…
Các thương hiệu lớn này cũng tung ra nhiều sản phẩm mới như kẹo mềm ngũ quả, phúc lộc thọ, phát tài, phát lộc với ý nghĩa mang đậm chất truyền thống, có ý nghĩa sum họp gia đình dịp Tết. Bên cạnh đó, nhiều mẫu đặc biệt mang ý nghĩa may mắn như hộp kẹo hình thỏi vàng, hoa mai, đồng tiền may mắn… cũng được ra mắt trong dịp này. Riêng các loại bánh cao cấp hộp thiếc có bao bì khá sắc sảo, không thua kém hàng ngoại nhập, giá cả cũng phải chăng.
Đặt vào xe đẩy mua hàng những hộp bánh cuộn kem, bánh cookies Tipo, chị Lê Thùy Dung, người mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) cho biết, thay vì mua bánh Danisa nhập khẩu từ Đan Mạch, chị lựa chọn hộp bánh Tipo với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí xuân này.
"Năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều phân khúc hàng hóa khác nhau. Ngoài bánh kẹo, tôi cũng lựa chọn một số loại ô mai Hồng Lam hay mứt, hoa quả sấy của Vinamit để thay cho đồ khô nhập khẩu khác", chị Dung chia sẻ.
Không chỉ ở các hệ thống siêu thị, tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, trong khoảng một tuần trở lại đây, lượng bánh kẹo đã bắt đầu được bày bán nhiều hơn.
Ông Lê Quang Đăng, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) cho biết, mặc dù trên thị trường có đầy đủ các loại bánh kẹo nhập khẩu, đa dạng về chủng loại, chất lượng, nhưng khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn bánh kẹo sản xuất trong nước.
Về giá cả, năm nay các loại bánh kẹo hầu như không tăng so với năm trước. Một số sản phẩm cao cấp hơn giá tăng khoảng 5-10%. Giá các loại bánh kẹo thường dao động từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/hộp tùy loại.
Nguồn cung ổn định, giá không đổi
Người tiêu dùng chọn mua bánh kẹo Việt tại siêu thị Big C (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm |
Năm nay kinh tế khó khăn nên xu hướng của người tiêu dùng cũng thắt chặt chi tiêu, vì vậy mà việc tìm mua các sản phẩm “Made in Vietnam” cũng được nhiều khách hàng lựa chọn. Theo ghi nhận, các sản phẩm trong nước chiếm khoảng 90% lượng bánh kẹo được bày bán tại các siêu thị, phù hợp với tiêu chí của phần lớn người tiêu dùng là lựa chọn mặt hàng có mẫu mã đẹp, vừa túi tiền và cả nhu cầu sử dụng.
Các sản phẩm bánh kẹo nội địa được đưa ra thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn có mẫu mã đẹp không thua kém hàng ngoại, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Giá sản phẩm bánh kẹo tại các cửa hàng và hệ thống siêu thị dao động từ 30.000 đến 400.000 đồng/hộp, một số sản phẩm thiết kế phiên bản đặc biệt cho dịp Tết, gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa như “Sum họp an lành”; Xuân sung túc” ... có giá từ 149.000 đến 400.000 đồng/hộp.
So với những năm trước, năm nay giá thành bánh kẹo tăng chủ yếu đến từ bao bì sản phẩm: giá các loại hộp bao bì Tết bằng giấy tăng nhẹ từ 1.000 đến 3.000 đồng và tăng từ 10.000 đến 20.000 đồng với các loại hộp bao bì Tết bằng thiếc. Các sản phẩm bánh kẹo loại hộp nhựa giữ giá như năm ngoái.
Cụ thể các loại bánh quy có giá phổ biến 49.000-300.000 đồng/hộp tùy chất lượng, mẫu mã, bao bì (hộp giấy hoặc hộp thiếc), các loại kẹo 50.000-200.000 đồng/kg, các loại mứt tết, hạt, trái cây sấy khô có giá phổ biến 35.000-350.000 đồng/kg, gói tùy trọng lượng, bao bì... Ngoài ra, các sản phẩm như hạt dưa, hạnh nhân, mắc ca, hạt điều, hạt sen sấy, hạt dẻ, do doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá bán dao động ở mức 65.000 đến 70.000 đồng/kg; hướng dương nhập khẩu của Nga có giá bán 125.000 đồng/kg; hạt bí có giá 100.000-120.000 đồng/kg, hạt dưa có giá 110.000 đồng/kg trở lên.
Các loại lương thực, thực phẩm hàng Việt giá cả cũng chỉ bằng từ 30 - 50% so với hàng nhập ngoại. Qua tìm hiểu, nguyên nhân hàng Việt có giá thấp là do các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí vận chuyển, thuế phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn đầu tư nâng cao chất lượng, bao bì, mẫu mã nên đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Các loại mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt táo, mứt chùm ruột, mứt sen, trái cây sấy đang được tiêu thụ rất mạnh.