Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội cho gạo Việt tăng tốc
Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội cho gạo Việt tăng tốc |
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý III/2023, xuất khẩu gạo đạt gần 6,42 triệu tấn, trị giá 3,54 tỉ USD. Như vậy, mặc dù số lượng gạo xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022 thấp hơn 687.056 tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo lại tăng 35,9% về trị giá.
Trong 15 ngày đầu tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 307.827 tấn gạo, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/10/2023, số lượng gạo xuất khẩu đã đạt 6,726 triệu tấn. Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo. Với mức giá xuất khẩu cao, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 10 tháng năm 2023 đang ở mức rất lạc quan dù số lượng gạo xuất khẩu thấp hơn năm trước.
Cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo Việt Nam tiếp tục lập đỉnh và tăng đồng loạt thị trường trong nước và xuất khẩu. Cụ thể tuần mới nhất (12-19/10), giá lúa gạo tại thị trường nội địa thêm một tuần tăng mạnh, dao động từ 193-604 đồng/kg tuỳ loại. Theo đó, giá bình quân thu mua lúa thường tại ruộng tăng lên mức 8.321 đồng/kg, lúa thường tại kho giá 9.475 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá 15.288 đồng/kg, gạo 5% tấm ở mức 15.129 đồng/kg, gạo 15% tấm có giá 14.858 đồng/kg, gạo 25% tấm là 14.533 đồng/kg...
Giá gạo Việt xuất khẩu cũng tăng ngược chiều so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cụ thể, phiên ngày 23/10, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam lần lượt có giá 643 USD/tấn và 628 USD/tấn. Giá gạo 5% tấm của nước ta cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan tới 74 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 80 USD/tấn. Gạo 25% tấm của nước ta cũng cao hơn hàng Thái Lan và Pakistan lần lượt 105 USD/tấn và 145 USD/tấn.
Chia sẻ với tờ Finacial Express, một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết Chính phủ nước này đang theo dõi vụ thu hoạch lúa hiện tại, quyết định nới lỏng xuất khẩu các loại gạo có thể được xem xét vào năm 2024.
Các doanh nghiệp Việt Nam nhận định khi nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới duy trì các lệnh cấm, hạn chế xuất khẩu, Việt Nam cùng các “vựa lúa” khác sẽ tiếp tục hưởng lợi.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng trường hợp Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo cho đến nửa đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao và không dưới 650 USD/tấn.
Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy sau khi Ấn Độ ban hành hàng loạt lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, giá hàng hóa này của Việt Nam và Thái Lan có đợt tăng mạnh từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9.
Bàn về triển vọng ngành trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết giá gạo đang cao hơn nhiều so với mặt bằng những năm trước, đợt tăng giá có thể kéo dài vì lực cầu mạnh hơn cung.
“Nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu ra thế giới thì giá gạo có khả năng đạt đến 1.000 USD/tấn, mức kỷ lục năm 2008”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Gạo Việt Nam được nhiều người tiêu dùng thế giới biết tới. |
Dự báo về giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới, nhìn chung doanh nghiệp đều lạc quan cho rằng, giá gạo xuất khẩu vẫn tiếp tục neo cao, rất khó giảm. Kể cả vụ thu hoạch Đông Xuân (tức đầu năm 2024), nguồn cung gạo từ Việt Nam và Thái Lan tăng lên, giá sẽ hạ nhiệt, song khó giảm xuống dưới ngưỡng 600 USD/tấn.
“Nhu cầu gạo trên toàn cầu có xu hướng tăng qua các năm, trong khi nguồn cung từ các quốc gia trồng lúa lại giảm do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Thế nên, những tháng đầu năm sau, giá gạo xuất khẩu có thể neo ở ngưỡng cao 640-650 USD/tấn” - ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An dự báo.
Thực tế, năm 2023, giá cao nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt được là 700 USD/tấn, nên giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt kỷ lục.
Theo ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch Công ty GLE (đơn vị chuyên làm kết nối xuất nhập khẩu), cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Đặc biệt, hiện nay Malaysia vẫn cần nhập khẩu để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước. Malaysia nhập gạo trắng chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, hơn nữa, người tiêu dùng Malaysia lại tương đối thích gạo Việt Nam, đây chính là cơ hội cho gạo Việt.
Indonesia muốn mua 500.000 tấn gạo tấm 5%: Hâm nóng thị trường gạo thế giới |
Việt Nam sẽ ký Hiệp định thương mại gạo với Indonesia, Philippines |
Kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam lập đỉnh mới sau 34 năm |