Vì sao Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời xin lỗi nông dân?
Thu hoạch cánh đồng lúa xuất khẩu của Lộc Trời. |
Ngày 21/5, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã phản hồi về việc nợ tiền mua lúa của bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sau sự cố dòng tiền và tái cấu trúc tài chính.
Thời gian gần đây, một số nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phản ánh bị Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền mua lúa kéo dài, thậm chí một số nông dân tại Cần Thơ còn kéo tới văn phòng đơn vị thành viên của tập đoàn này để đòi nợ.
Lý giải tình trạng trên, Tập đoàn Lộc Trời cho hay, từ đầu vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, đơn vị đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất lúa với tổng diện tích hơn 50.000 ha tại khu vực ĐBSCL.
Đến giữa tháng 4, đơn vị đã mua trên 300.000 tấn lúa, tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng, tổng số tiền đã trả cho bà con nông dân trên 2.000 tỷ đồng.
Theo Lộc Trời, việc chậm thanh toán là do các yếu tố khách quan như: chậm dòng tiền từ khách hàng và ngân hàng dù công ty đã có nhiều nỗ lực, chấp nhận bán lúa khô với giá thấp có tiền mặt.
Ngày 20/5, Lộc Trời đã phối hợp với Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với nông dân và chính quyền địa phương.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời - Ảnh: LTG |
Trong thông cáo báo chí, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, thay mặt hơn 3.000 nhân viên công ty gửi "lời xin lỗi chân thành nhất đến bà con nông dân vì sự cố lần này". Ông Thòn cũng bày tỏ sự cảm động trước lòng tin yêu, thương mến của nông dân, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, TPBank, các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước dành cho Lộc Trời.
Đại diện Lộc Trời cho biết đang hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỉ đồng) với Ngân hàng Phát triển Hà Lan (FMO); đàm phán với các ngân hàng trong và ngoài nước có cùng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đồng hành lâu dài, thống nhất các khoản tài trợ trung - dài hạn và dòng vốn ngắn hạn, hạn chế tối đa các "nút thắt cổ chai" về dòng tiền trong tương lai.
Tính tới ngày 14/5, Lộc Trời đã xuất khẩu gần 100.000 tấn gạo, trị giá gần 63 triệu USD (trên 1.500 tỷ đồng); tăng cường chế biến phụ phẩm nông nghiệp.
Lộc Trời sở hữu 2 thương hiệu gạo ngon nhất thế giới |
Lộc Trời xác lập thêm 3 kỷ lục Việt Nam, đánh dấu mốc son 30 năm phát triển bền vững |