Tại sao LPBank lùi ngày họp Đại hội đồng cổ đông bất thường gần 2 tháng?
Tại sao LPBank lùi ngày họp Đại hội đồng cổ đông bất thường gần 2 tháng? |
Theo đó, LPBank sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 15/11/2024 thay cho lịch tổ chức công bố trước đó là ngày 22/9/2024. Lý do là để hoàn thiện hồ sơ trình Đại hội.
Trong thông báo trước, ngân hàng cho biết địa điểm tổ chức là tại trụ sở chính 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường là 01/07/2024.
Dự kiến, HĐQT LPBank sẽ trình Đại hội phê duyệt bầu bổ sung thành viên HĐQT nhằm đáp ứng sớm Luật các tổ chức tín dụng và tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng việc trả cổ tức với tỷ lệ 16,8%. Ngân hàng cũng dự kiến trình trình cổ đông phương án đầu tư tối đa 5% vốn điều lệ của CTCP FPT.
LPBank đang làm ăn ra sao?
Báo cáo tài chính quý II/2024 của LPBank cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng thu nhập lãi thuần đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng ghi nhận doanh thu ấn tượng, đạt hơn 860 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần. Mặc dù vậy, các mảng kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán của LPBank vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu.
Với doanh thu tăng cao và chi phí hoạt động giảm hơn 15%, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của LPBank tăng mạnh, đạt gần 3.600 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trong quý II/2024 của ngân hàng đạt hơn 2.400 tỷ đồng, so với chỉ hơn 700 tỷ đồng của quý II/2023.
Lũy kế nửa đầu năm, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 7.100 tỷ đồng và doanh thu từ dịch vụ đạt 1.685 tỷ đồng. Nhờ vào việc kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã tăng gấp đôi so với năm trước, đạt 4.700 tỷ đồng.
Một trong những động lực chính cho tăng trưởng của LPBank là sự mở rộng mạnh mẽ trong hoạt động cho vay. Đến cuối quý II/2024, dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng đã vượt 317.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với đầu năm. LPBank cũng đã ký các hợp đồng tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng với hai đối tác lớn là Hưng Thịnh và Hoàng Anh Gia Lai, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Năm 2024, ngân hàng này tiếp tục thực hiện các thay đổi chiến lược quan trọng. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt vào tháng 7/2024, LPBank đã chính thức đổi tên từ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam, đồng thời tiến hành thay đổi nhận diện thương hiệu. Việc đổi tên diễn ra trong bối cảnh Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) có kế hoạch thoái vốn khỏi ngân hàng.
Những thay đổi này diễn ra sau khi ông Nguyễn Đức Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT vào cuối năm 2022, sau thời gian giữ vai trò Phó chủ tịch từ tháng 4/2021. Dưới sự lãnh đạo của ông Thụy, LPBank đã đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 lên đến 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023, cùng với kỳ vọng tổng tài sản vượt 420.000 tỷ đồng vào cuối năm.
LPBank được thành lập vào năm 2008. Sau 16 năm phát triển, LPBank đã khẳng định vị thế của một định chế tài chính hùng mạnh, trở thành 1 trong 14 ngân hàng Việt Nam thuộc Nhóm các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng nhất hệ thống, Top 500 Ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu, tạo dựng được niềm tin vững chắc tới đối tác và khách hàng. LPBank sở hữu mạng lưới rộng lớn với hơn 1.200 điểm giao dịch, hoạt động khắp 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong giai đoạn phát triển mới, LPBank không ngừng mang tới các sản phẩm, dịch vụ đa dạng cùng các chương trình tín dụng với chính sách vay vốn linh hoạt, đáp ứng nhu mọi nhu cầu của khách hàng và doanh nghiệp. |