Nhiều doanh nghiệp không biết mình nằm trong "danh sách bắt buộc" phải chuyển đổi xanh
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Để hiện thực cam kết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.
Với mục tiêu Xanh hóa nền kinh tế, chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Để đạt được mục tiêu thách thức này, cần sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó trọng tâm là sự đồng hành, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh" vừa được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) công bố cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt hiện vẫn chưa có sự chuẩn bị và đánh giá đúng mức về sự cần thiết của "chuyển đổi xanh".
Trên 60% doanh nghiệp "chưa chuẩn bị gì" cho chuyển đổi xanh
Nhận định được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu trong báo cáo "Mức độ sẵn sàng và khó khăn của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh".
Xét theo ngành, doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm thủy sản và công nghiệp đánh giá cần chuyển đổi xanh cao hơn ngành xây dựng, dịch vụ. Nhóm ngành đặc thù ghi nhận tỷ lệ cần xanh hóa cao, như dệt may (55,9%); công nghiệp chế biến, chế tạo (52,6%); khai khoáng (56,5%)... Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI đánh giá cần thiết phải giảm phát thải cao hơn so với khu vực trong nước, lần lượt là 55,2% và 48%.
Tuy vậy, khoảng 64% cho hay "chưa chuẩn bị gì" cho quá trình này. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, chỉ 5,5% đã thực hiện các hoạt động giảm khí thải với một số hoạt động trọng tâm. Số theo dõi, công bố kết quả giảm phát thải mỗi năm ở mức 3,8%.
Theo Ban IV, việc các doanh nghiệp trong nước gần như chưa chuẩn bị gì cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh sẽ tạo ra sức ép rất lớn trong tương lai. Việc này càng áp lực khi các quy định giảm phát thải về 0 tại châu Âu, Mỹ, cũng như Việt Nam hết thời gian chuyển tiếp và sang giai đoạn bắt buộc tuân thủ.
Nguồn vốn là khó khăn lớn nhất
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước (2023). |
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, từ thông tin, nguồn vốn, nhân sự có chuyên môn…
Trong đó, ba khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp là: Nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải, chuyển đổi xanh; Nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh và Các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp.
Trong ba khó khăn trên, nguồn vốn hiện là khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh.
Cụ thể, có trên 50% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp phải khó khăn về vốn. Trong khi chỉ có 5,9% cho rằng không có khó khăn gì về vốn.
Theo ban IV, đây là một vấn đề cần sự quan tâm đặc biệt vì trong khi doanh nghiệp rất cần vốn cho giảm phát thải, chuyển đổi xanh để đón đầu các cơ hội thì tài chính xanh chưa phát triển tương ứng. Sau hơn 10 năm, tài chính xanh được triển khai ở Việt Nam nhưng quy mô vẫn nhỏ, tín dụng xanh chỉ chiếm 4.5% tổng dư nợ (tới hết năm 2023), trong khi trái phiếu xanh còn rất ít.
Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm tài chính xanh được triển khai ở Việt Nam nhưng quy mô vẫn nhỏ, tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ (số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tính tới hết năm 2023), trong khi trái phiếu xanh còn rất ít.
Việc triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc như chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi.
Trong khi đó, trái phiếu xanh còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng về thông tin, tiêu chí của dự án xanh; cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn; khung pháp lý…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn nhiều rào cản khi muốn tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế hỗ trợ cho cam kết của Việt Nam như Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Nhiều tổ chức quốc tế, qua khảo sát, đã phản ánh còn nhiều chậm trễ và nhiều rào cản để tuân thủ các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án nhóm này.