Nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm
Tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm. |
Sáng ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tín dụng âm 0,72%
Báo cáo với Thủ tướng trong Hội nghị sáng 14/3, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết: Đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, theo ông Tú, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Chỉ có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng BĐS tăng 0,23% so với cuối năm 2023 và tín dụng đối với chứng khoán tăng 2,56%.
Lý giải về thực trạng này, ông Tú nhìn nhận: Theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán dẫn tới 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.
Ngoài ra, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng, thiếu đơn hàng, nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh cao nên không có nhu cầu vay vốn. Trong khi đó, người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.
Một số nhóm khách hàng tuy có nhu cầu nhưng lại chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi.
Ông Tú cũng thừa nhận những khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng. Cụ thể, đối với chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp.
Đối với các gói cho vay tiêu dùng, thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm.
Trong bối cảnh này, ông Tú cho rằng, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Một số khoản nợ cũ lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.
Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.
Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Ông Tú cũng nhìn nhận việc huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường thị trường trái phiếu, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... nên khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng.
Thủ tướng đề nghị làm rõ tình hình cho vay của hệ thống ngân hàng
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ngày 14/3. Ảnh: VGP |
tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm giảm, trong khi lượng tiền gửi còn rất lớn, khoảng 14 triệu tỷ đồng, tức tiền nhiều nhưng vốn không thể ra nền kinh tế. Hiện, lãi suất tiền gửi bình quân là 3,3% một năm. Lãi vay khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới. Các mức này hạ lần lượt 0,2% và 0,7% so với 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề, vì sao lãi suất đã giảm, doanh nghiệp vẫn kêu thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng.
"Nút thắt ở đâu, nguyên nhân gì? Do quy định, điều hành, thận trọng hay cục bộ?", ông nói, và đề nghị làm rõ tình hình cho vay của hệ thống ngân hàng theo từng ngành, lĩnh vực để có biện pháp tháo gỡ.
Thủ tướng yêu cầu bộ ngành, địa phương tìm giải pháp để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp. Ngành ngân hàng có phương án điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỷ giá để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (6-6,5%), ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
"Ngân hàng cần tiếp tục giảm chi phí, lãi vay và công bố lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân chọn lựa ", Thủ tướng nói.
Với riêng lĩnh vực bất động sản, ông lưu ý các ngân hàng phân loại dự án để có giải pháp tín dụng phù hợp. Tăng tín dụng, song phải đảm bảo an toàn hệ thống, giám sát chặt cấp vốn, cho vay vốn ưu đãi không đúng đối tượng.
Về phía ngân hàng, Phó thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận một số nhà băng thận trọng cho vay do nợ xấu tăng. Thủ tục cho vay, thời gian xét duyệt vay quá thận trọng tại một số ngân hàng, khiến giải ngân thấp.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định, điều hành theo hướng giảm lãi suất, khuyến khích các nhà băng giảm chi phí và công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất các bộ ngành, địa phương có giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp, ông Tú đề xuất họ tái cấu trúc, minh bạch tình hình tài chính.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội ngân hàng kiến nghị Chính phủ cho phép ngân hàng có vốn nhà nước tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận để lại. Ông Hùng cũng đề xuất sửa đổi quy định theo hướng đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt, cho phá sản doanh nghiệp yếu kém để giảm gánh nặng nền kinh tế.