Người Việt đang chi bao nhiêu tiền mua hàng hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci?
Người Việt đang chi bao nhiêu tiền mua hàng hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci? |
Louis Vuitton “nhường ngôi” cho Channel
Theo báo cáo về Thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam năm 2023 của Vietdata, sau hai năm thống trị thị trường xa xỉ (2021-2022), Louis Vuitton Việt Nam phải nhường ngôi cho Chanel Việt Nam. Năm qua, Louis Vuitton ghi nhận doanh thu đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, giảm 22,5% khiến lợi nhuận giảm 38% so với cùng kỳ 2022.
Còn thương hiệu được sáng lập bởi Coco Chanel dù bứt lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp hàng hóa xa xỉ, nhưng vẫn không thoát khỏi điệp khúc doanh thu giảm.
Cụ thể, doanh thu đơn vị này giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm một nửa. Hiện, Chanel sở hữu 6 cửa hàng độc quyền tọa lạc tại những vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP HCM.
Dù không đứng đầu về doanh thu, song nếu xét trên khía cạnh lợi nhuận, Christian Dior Việt Nam dẫn đầu trong danh sách đơn vị phân phối hàng xa xỉ độc quyền cho một thương hiệu.
Năm ngoái, doanh thu của hãng này đạt 1.500 tỷ đồng, chỉ giảm 9,5% so với năm 2022. Nhờ kiểm soát chi phí hiệu quả và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, Christian Dior Việt Nam ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất trong phân khúc phân phối độc quyền thương hiệu, theo nhận định của Vietdata.
Christian Dior Việt Nam hiện sở hữu mạng lưới 8 cửa hàng tại Hà Nội, Hội An và TP HCM, bao gồm cả Christian Dior Couture Boutiques và Parfums Christian Dior Boutiques.
So với ba ông lớn trên, Gucci Việt Nam có quy mô doanh thu nhỏ hơn, ước đạt 1.000 tỷ đồng năm 2022, giảm 30% trong năm ngoái chỉ còn khoảng 750 tỷ đồng. Đây cũng là đơn vị có mức giảm lợi nhuận lớn nhất thị trường hàng xa xỉ (giảm 77% so với năm 2022). Gucci đang sở hữu 3 cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM, trong đó có 1 cửa hàng hợp tác với Adidas.
Prada Việt Nam, và Ermenegildo Zegna Việt Nam là những đơn vị có quy mô nhỏ và cách khá xa các doanh nghiệp nhóm đầu, với doanh thu hằng năm chỉ dưới 200 tỷ đồng.
Dù doanh thu năm 2023 cũng ghi nhận sự sụt giảm chung xu hướng với các ông lớn khác, nhưng Vietdata vẫn đánh giá cao Prada VN bởi chiến lược kiểm soát chi phí hiệu quả và thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp, chuyển từ mức lỗ năm 2022 sang có lãi.
Làn sóng "đổ bộ" Việt Nam của loạt thương hiệu bán lẻ ngoại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Làn sóng này thực tế đã bắt đầu từ năm 2023, đơn cử Mont Blanc và Balmain Paris mở cửa hàng đầu tiên tại Tràng Tiền Plaza, Devialet cũng đặt cửa hàng đầu tiên trên phố Tràng Tiền.
Ngoài ra, một loạt thương hiệu lớn khác như Victoria’s Secret, Foot Locker, Maison Margiela Paris, Coach, Marimekko, Karl Lagerfeld, Come Home… cũng lần đầu xuất hiện tại Lotte Mall West Lake Hanoi. Năm nay, bộ ba "ông hoàng" ngành xa xỉ Cartier, Rene Caovilla và The Hour Glass Opera đồng loạt mở rộng ngay đầu năm tiếp tục "châm ngòi" cho làn sóng trên.
Số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đang tăng nhanh
Doanh thu của các đơn vị phân phối hàng xa xỉ Việt Nam năm 2023. Nguồn: Vietdata |
Theo bản báo cáo Công ty tư vấn Knight Frank, số người siêu giàu ở Việt Nam, là những cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên, được ước tính khoảng 752 vào năm 2023, tăng 2,4% so với năm trước đó.
Mức tăng này thấp hơn các nước láng giềng như Malaysia (4,3%), Indonesia (4,2%) và Singapore (4%), nhưng lại cao gấp ba lần Thái Lan với chỉ 0,8%.
Dự kiến đến năm 2028, dân số siêu giàu Việt Nam sẽ đạt 978, tăng khoảng 30% so với năm 2023 và đưa Việt Nam nằm trong top 5 châu Á - Thái Bình Dương, dẫn trước Hàn Quốc, Hong Kong và Singapore.
Knight Frank cũng thống kê một chỉ số mang tên Chỉ số đầu tư xa xỉ (Knight Frank Luxury Investment Index - KFLII), trong đó theo dõi hiệu quả của 10 hạng mục đầu tư xa xỉ phổ biến nhất.
Ông Kevin Coppel, giám đốc điều hành Knight Frank châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: "Ấn bản mới nhất của Báo cáo thịnh vượng cho thấy giới nhà giàu và siêu giàu châu Á vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư xa xỉ.
Trên khắp châu lục, các đại gia, tài phiệt không ngừng ưu tiên mua sắm xa xỉ phẩm nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, cũng như khai thác tiềm năng lợi nhuận to lớn mà những hạng mục tài sản này mang lại".
Báo cáo chỉ số này cho thấy Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm về nhập khẩu giai đoạn 2018 - 2022 đối với đồ xa xỉ như sau: đồ trang sức tăng 8%, xe hơi tăng 26%, rượu vang 6% và đồng hồ là 8%.
Tạm giữ lô hàng hiệu Gucci, Dior nhái trị giá gần 200 triệu đồng |
BST đồng hồ hơn 10 tỷ của "cô dâu mới" Đỗ Mỹ Linh khủng đến cỡ nào? |
City Sale 2024 - sự kiện khuyến mãi hàng hiệu lớn nhất trong năm |