Lợi thế và thách thức đối với sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc
Lâm Đồng: Hàng chục cây sầu riêng sắp thu hoạch bị kẻ xấu cạo trắng gốc Sản lượng trái cây giảm mạnh, giá sầu riêng xuống mức thấp chưa từng thấy Xuất khẩu rau quả 9 tháng bằng cả năm 2023 |
Xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD chỉ trong 9 tháng năm nay. |
9 tháng thu về 2,5 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,24 tỷ USD. Theo đó, sầu riêng trở thành loại trái cây tỷ USD mới (trước đó là thanh long), đồng thời đứng đầu trong top các loại rau quả có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong năm.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng của Việt Nam trong năm vừa qua.
Mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, báo tin, xuất khẩu sầu riêng thu về 2,5 tỷ USD chỉ trong 9 tháng năm nay theo ước tính sơ bộ của hiệp hội. Tức, kim ngạch xuất khẩu loại “trái cây vua” đã xô đổ kỷ lục 2,24 tỷ USD của cả năm 2023.
“Mới chỉ 9 tháng nhưng 2,5 tỷ USD đã là số tiền nhiều kỷ lục lịch sử đối với ngành sầu riêng, đồng thời cũng là con số kỷ lục của một loại rau quả xuất khẩu”, ông nhấn mạnh. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 2,3 tỷ USD.
Theo ông Nguyên, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm nay chắc chắn sẽ vượt mốc 3 tỷ USD. Bởi, tháng 10 vào vụ thu hoạch loại trái cây này ở những vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai và Lâm Đồng. Sầu nghịch vụ ở các tỉnh miền Tây cũng sẽ cho thu hoạch vào các tháng cuối năm nay.
Khảo sát trên thị trường nội địa, giá sầu riêng hôm nay 27/9 lặng sóng tại các vùng trồng chính trên cả nước. Trong đó, sầu riêng RI6 các loại đang được giao dịch trong khoảng 42.000 - 59.000 đồng/kg.
Còn giá sầu riêng Thái dao động ở 64.000 - 95.000 đồng/kg. Mức giá này giúp người nông dân thu được lợi nhuận rất cao từ loại trái cây tỷ USD.
Lợi thế đi kèm thách thức
Chỉ chưa đầy hai năm, Việt Nam đã trở thành nguồn cung sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, thậm chí còn đặt mục tiêu vượt Thái Lan.
Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu khi có sầu riêng thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc thì các yếu tố lợi thế về chi phí logistics và vị trí địa lý gần sẽ bị loại bỏ so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Malaysia.
Chỉ mất 36 giờ để sầu riêng Việt Nam đến Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị, trong khi sầu riêng Thái Lan có thể mất ít nhất 3-4 ngày.
Ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH-XNK Phương Ngọc Cái Bè ở tỉnh Tiền Giang, cho rằng nhờ vị trí địa lý liền kề nên lợi thế lớn nhất của Việt Nam nằm ở logistics và vận tải, có biên giới đất liền với Trung Quốc giúp Việt Nam vận chuyển sầu riêng bằng xe tải hoặc tàu hỏa nhanh hơn và rẻ hơn.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của xuất khẩu sầu riêng Việt Nam từng đưa Việt Nam vượt qua Thái Lan và trở thành nhà cung cấp số 1 của thị trường sầu riêng Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – thông tin, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này cũng đang gặp sự cạnh tranh không nhỏ. Theo đó, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các quốc gia có khí hậu thuận lợi. Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra. Bên cạnh đó, cuộc đua xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khốc liệt khi Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia... cùng tham gia.
Chế biến sầu riêng đông lạnh xuất khẩu tại Bến Tre. |
Cần cao nhận thức về tuân thủ quy định
Để mặt hàng trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Mười - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho rằng, quá trình tổ chức sản xuất cần áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; tập trung xây dựng các tiêu chuẩn đối với từng loại rau quả; quá trình canh tác cần cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất gia tăng lợi nhuận.
Đặc biệt, trong canh tác cần áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử để minh bạch quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm, gắn với Sản phẩm đặc sản, chỉ đẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh. Con số này dự kiến cũng sẽ tăng.
Ngày 19/8/2024, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh, ông Nguyễn Quang Hiếu - Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật - cho biết, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh, vì nó phù hợp hơn. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu khuyến nghị, các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, vùng trồng cần đặc biệt lưu ý một số điều khi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. “Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, thì Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Quang Hiếu nói.
Theo các chuyên gia, để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Nghị định thư đã ký.
Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, kết hợp với việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính minh bạch khi có yêu cầu. Với sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ cấp đông, cải thiện kỹ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.