Loại lá gia vị chợ Việt bán rẻ bèo, xuất sang Nhật 700 đồng một lá
Trồng 6 loại cây này trong nhà, muỗi không bao giờ dám bén mảng Những đại kỵ khi dùng lá tía tô để làm đẹp và chữa bệnh 6 loại rau thơm vừa làm rau ngon, vừa làm thuốc quý |
Tía tô là rau gia vị quen thuộc |
Tía tô là một loại thảo mộc được sử dụng phổ biến ở các nước châu Á. Lá tía tô thường được dùng trong chế biến món ăn như nấu canh hay món salad, súp, sushi và các món ăn khác. Ngoài ẩm thực, cây tía tô còn mang đến rất nhiều công dụng trong điều trị nhiều loại bệnh như hen suyễn, dị ứng và các vấn đề về tiêu hóa.
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc có lịch sử lâu đời, tía tô là một cây thảo dược cổ điển được sử dụng rộng rãi để chống lại bệnh hen suyễn nhờ thành phần luteolin trong tía tô có tác dụng giãn các cơ trơn của khí quản.
Ngoài ra, dữ liệu trong một nghiên cứu năm 2021 cho thấy chiết xuất từ lá tía tô có thể làm giảm đáng kể các chất trung gian gây viêm và làm giảm phản ứng dị ứng tức thì với chứng viêm đường hô hấp. Từ kết quả đó cho thấy lá tía tô có khả năng hỗ trợ điều trị hen suyễn.
BS.CKI Lâm Nguyễn Thùy An (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết trong y học cổ truyền (YHCT), tía tô có vị cay, tính ấm, quy kinh phế, tỳ. Loại thảo mộc này là rau gia vị quen thuộc, không chỉ dùng kèm và chế biến thành nhiều món ăn ngon mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh.
Cũng theo BS.CKI Lâm Nguyễn Thùy An, tía tô từ lâu đã được sử dụng như dược liệu tự nhiên để phục hồi các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như bệnh liên quan đến ho, cảm lạnh, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, nghẹt mũi, hen suyễn, khó thở, lo lắng, trầm cảm, dị ứng, nhiễm độc và một số rối loạn đường ruột.
Tinh dầu tía tô nguyên chất được chiết xuất từ các cơ quan như chồi, thân, lá… còn được biết là có các hoạt tính sinh học khác nhau bao gồm kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm, chống viêm, chống ung thư, chống đái tháo đường và chất chống oxy hóa.
Thành phần perillaldehyde trong tinh dầu từ lá tía tô cũng được phát hiện có đặc tính chống trầm cảm.
Bên cạnh đó, hạt tía tô là nguồn cung cấp thành phần axit béo tốt như axit palmitic, axit stearic, axit oleic, linoleic axit và axit linolenic. Ngoài ra, hàm lượng axit béo không bão hòa trong dầu hạt tía tô thường trên 90%, chứa hàm lượng axit α-linolenic khá cao, dao động từ 52,58% đến 61,98%, được kỳ vọng giúp cơ thể giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong huyết thanh, giảm nguy cơ ung thư ruột kết và ngăn ngừa sự phát triển quá mức của các mô mỡ nội tạng.
Cây tía tô rất dễ trồng, có thể mọc bờ mọc bụi. Ở các vùng quê, lá tía tô bán rất rẻ, dễ mua, thậm chí người ta còn cho không. Người dân còn nhổ đi bớt vì nó không có giá trị hoặc mang lại giá trị rất thấp. Tại các chợ cóc, lá tía tô được bán với giá chỉ từ 1.000-2.000 đồng/mớ.
Nhưng khi được xuất sang Nhật, tía tô được bán với giá siêu đắt đỏ. Có giai đoạn, Nhật Bản đã nhập khẩu lá tía tô Việt Nam với giá 700 đồng 1 chiếc.
Để được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các quy trình trồng cây tía tô đều phải tuân thủ theo kỹ thuật |
Lá tía tô được người Nhật ví như thần dược vì chúng không chỉ là loại rau gia vị đơn thuần mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Trong quan niệm của người Nhật, lá tía tô giàu chất xơ, vitamin A, C, B2 và khoáng chất như canxi, sắt, kali và chứa các chất chống oxy hóa.
Trong ẩm thực Nhật Bản, lá tía tô có thể được sử dụng toàn bộ hoặc cắt nhỏ, dùng tươi hoặc sấy khô.
Với người Nhật, tía tô là loại rau gia vị rất được coi trọng. Ở Nhật, tía tô là 1 trong 7 loại gia vị thiết yếu.
Loại rau này được người Nhật dùng để giảm bớt mùi tanh của hải sản, là nguyên liệu quan trọng nhất của món dưa mận umeboshi (một món dưa muối rất phổ biến trong ẩm thực người Nhật) hoặc được dùng gói xung quanh sushi…
Ở Nhật, lá tía tô không phải được bán theo bó như ở Việt Nam mà được bán theo lá. Ngoài việc bán lá tươi trong siêu thị và chợ, người ta còn sấy khô, đóng gói lá tía tô để bán trong nước hoặc xuất đi nước ngoài. Tía tô tại Nhật được bán với giá lên tới 500-700 đồng một lá. Một gói lá tía tô sấy được bán với giá 16 USD, tương đương 363.000 đồng.
Để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các quy trình trồng cây tía tô đều phải tuân thủ theo kỹ thuật, công nghệ Nhật Bản, từ việc chọn giống, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch và được chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Bên cạnh yêu cầu khắt khe về kỹ thuật khi trồng, các lá tía tô còn phải được thu hoạch đúng ngày tuổi và có kích cỡ đều tăm tắp, không được rách, nát. Với những lá để quá lứa phải hái bỏ, yêu cầu về sự đồng nhất từ hình thức đến chất lượng cũng như sự ổn định là rất cao.