Heineken Việt Nam có làm ngơ khiếu nại và cố tình ép người lao động nghỉ việc?
Vì sao Heineken Việt Nam bị “tố” chèn ép, trù dập người lao động? |
Heineken Việt Nam có làm ngơ khiếu nại và cố tình ép người lao động nghỉ việc? |
Khiếu nại nhưng chưa được giải quyết
Trong đơn gửi báo chí, ông L.Q.T cho biết, ngày 26/11/2021 vừa qua, ông T bất ngờ nhận được quyết định tạm đình chỉ công việc từ Tổng Giám đốc điều hành Heineken Việt Nam - ông Alexander Paul Johannes Louis Koch. Ông T càng ngạc nhiên hơn khi biết lý do bị công ty đình chỉ công việc là vì ông đã: Có dấu hiệu sao chụp, cung cấp hình ảnh, thông tin nội bộ công ty cho cá nhân bên ngoài và có hành vi kết nối với các cá nhân này để truyền tải thông tin công ty lên mạng xã hội cho các mục đích cá nhân; Và các dấu hiệu sai phạm khác cần phải tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ông T còn phản ánh: “Trước khi bị công ty ra quyết định tạm đình chỉ công việc, bản thân tôi thường xuyên bị chèn ép làm những công việc không đúng nhiệm vụ; việc đánh giá năng lực nhân viên không khách quan và có dấu hiệu trù dập người lao động”.
Cho rằng quyết định tạm đình chỉ công việc và những dấu hiệu chèn ép, đánh giá năng lực nhân viên chưa khách quan, có các dấu hiệu sai phạm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, ông T đã gửi liên tiếp 2 đơn khiếu nại tới Tổng Giám đốc Heineken Việt Nam để mong nhận được sự giải quyết thỏa đáng.
Thế nhưng, “Sau hơn 2 tháng, kể từ khi gửi đơn khiếu nại đến nay tôi vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Thay vào đó là việc tôi liên tiếp phải nhận các quyết định gia hạn thời gian tạm đình chỉ công việc”, ông T chia sẻ.
Cụ thể, ngày 30/11/2021, ông T gửi đơn khiếu nại quyết định tạm đình chỉ công việc của Tổng Giám đốc điều hành để yêu cầu xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Đến ngày 29/12/2021, ông T tiếp tục gửi đơn đề nghị ban hành thông báo thụ lý và giải quyết đơn khiếu nại của người lao động, thế nhưng những nội dung khiếu nại của ông vẫn không được xem xét giải quyết. Và trong khoảng thời gian này, ông T liên tiếp nhận được 2 quyết định gia hạn thời gian đình chỉ công việc và một thư phúc đáp số 2012/MD/2021 đề ngày 20/12/2021 trả lời về những nội dung trong đơn yêu cầu.
Theo ông T: “Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Điều 19, Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì thư phúc đáp này không được xem là Thông báo thụ lý khiếu nại trong trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu về lĩnh vực lao động”.
Đến ngày 14/02/2022, Heineken Việt Nam mới ban hành Thông báo số 01/TB-140222 về việc thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu đối với đơn khiếu nại về việc ban hành và áp dụng quyết định tạm đình chỉ công việc ngày 26/11/2021. Tuy nhiên, ông T cho rằng: “Nếu xét theo điểm a, khoản 1, Điều 19, Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì Heineken đang cố tình vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại khi hơn 2 tháng mới ban hành thông báo thụ lý”.
Đối với nội dung đơn khiếu nại về các hành vi có dấu hiệu đánh giá năng lực nhân viên không khách quan, trù dập, chèn ép người lao động thì ông T cho biết, Heineken Việt Nam vẫn chưa có động thái tiếp nhận, thụ lý đơn. “Phía Heineken Việt Nam đang có vẻ lãng quên đi nội dung này mà không rõ nguyên nhân” - ông T nói.
Ép người lao động phải nghỉ việc?
Theo ông T, trong khi việc thụ lý và giải quyết các nội dung đơn khiếu nại của người lao động vẫn chưa ngã ngũ thì Heineken Việt Nam có dấu hiệu cố tình ép ông nghỉ việc.
Cụ thể, ngày 17/01/2022, ông T tham gia buổi làm việc và gặp gỡ ông Lê Quý Đôn - Giám đốc nhân sự cấp cao của Heineken Việt Nam theo thư mời ngày 14/01/2022 với nội dung trao đổi những vấn đề liên quan đến công việc tại kho. “Tuy nhiên, buổi làm việc không giống như nội dung thư mời, thay vào đó ông Đôn lại liên tục có những lời nói đe dọa là phía công ty sẽ thu thập đầy đủ các bằng chứng nhằm chứng minh cho sai phạm của tôi mà công ty đã nhận định nhằm làm cơ sở để xử lý. Ngoài ra, ông Đôn còn thông tin, công ty đã nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan về An ninh mạng để làm rõ các hành vi mà họ cho rằng tôi đã vi phạm chính sách của công ty. Trường hợp nếu phát hiện sai phạm sẽ tiến hành xử lý kỷ luật và không loại trừ việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với tôi” - ông T bức xúc và cho rằng những hành vi trong buổi làm việc có dấu hiệu của hành vi cưỡng bức người lao động, vi phạm nghiêm trọng khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 165 Bộ luật Lao động 2019.
Tiếp đó, ngày 16 và 23/02/2022, ông T tiếp tục tham gia hai buổi làm việc theo thư mời với nội dung gặp gỡ Tổng Giám đốc điều hành, bộ phận chuyên trách của Heineken Việt Nam để trao đổi và giải quyết về những khiếu nại về việc ban hành và áp dụng quyết định tạm đình chỉ công việc ngày 26/11/2021. Tuy nhiên, ông T cho biết trong hai buổi làm việc này, Heineken Việt Nam đưa ra đề xuất sẽ hỗ trợ, bồi thường một khoản tiền để đề nghị tôi nghỉ việc và chấm dứt hợp đồng lao động. “Trong cả hai buổi làm việc, Heineken Việt Nam hoàn toàn không có ý định giải quyết các vấn đề xảy ra trong thời gian qua và như muốn bỏ mặc những kiến nghị, ý kiến cũng như những bất công mà tôi phải gánh chịu. Tôi không đồng ý nghỉ việc vì phía công ty đang không tôn trọng quyền khiếu nại của mình. Sau 27 năm, tôi vẫn luôn tha thiết mong muốn tiếp tục làm việc và cống hiến cho Heineken Việt Nam” - ông T nói.
Sau khi liên tiếp phải nhận “sức ép” từ đơn vị sử dụng lao động, ngày 25/02/2022, ông T được mời lên làm việc và nhận được thông báo kết thúc thời hạn tạm đình chỉ công việc theo các quyết định trước đó, đồng thời ông T được quay trở lại làm việc từ ngày 25/02/2022 đến ngày 11/3/2022 nhưng là làm việc tại nhà, chờ bố trí công việc sau.
Động thái này khiến ông T rất khó hiểu!
Thư ngỏ của Heineken Việt Nam gửi người lao động |
Cam kết một đằng thực hiện một nẻo? Trước đó, theo phản ánh của nhiều công nhân, dù đã cống hiến hơn 15 năm nhưng Heineken Việt Nam vẫn chấm dứt hợp đồng một cách vô lý (?). Cho rằng việc chấm dứt hợp đồng của công ty là trái quy định pháp luật, một số công nhân đã khởi kiện công ty này ra Tòa án. Trong khi trước đó, Heineken Việt Nam có các thông báo gửi người lao động, trong đó có nội dung như: “Lý do chúng ta tập trung duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh chính là để thực hiện mục tiêu của Tập đoàn Heineken là sẽ không cắt giảm nhân sự do dịch COVID-19… Hay: “Đó là lý do tại sao chúng ta (Tập đoàn Heineken cũng như Heineken Việt Nam) sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo toàn công việc cho nhân viên và hạn chế việc cắt giảm lao động vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2020 […] Không chỉ chúng ta đã cam kết không cắt giảm lao động vì COVID-19 trong năm 2020 trên toàn cầu, tại Việt Nam chúng ta cũng đã: Thanh toán đầy đủ tiền thưởng theo kết quả hoàn thành công việc năm 2019…”. |