Hà Nội: Bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân
Bảo đảm đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân |
Theo đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, cụm công nghiệp, nhà máy… tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết; khử khuẩn tại cơ sở kinh doanh, các phương tiện vận chuyển hàng hóa, sát khuẩn hàng hóa trước khi cho nhân viên đi giao hàng để tránh lây nhiễm trong cộng đồng; giãn cách tối thiểu 1m hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà...
Đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng, nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch tại cơ sở và người sử dụng lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời…
UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động rà soát, kích hoạt phương án bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân theo các cấp độ của dịch bệnh, sẵn sàng các nguồn lực đáp ứng bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân các khu vực cách ly (nếu có).
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thành phố bảo đảm dự trữ đầy đủ hàng hóa, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch, đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 (từ 20 ca đến dưới 1.000 ca mắc bệnh): 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 (từ 1.000 đến 3.000 ca mắc): 1.048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 (từ hơn 3.000 đến 30.000 ca mắc): 5.359,05 tỷ đồng.