Giá vàng cao chót vót: Nhà đầu tư nên mua vàng miếng hay vàng nhẫn?
Nên mua vàng miếng hay vàng nhẫn? |
Giá vàng trong nước chiều nay 10/3/2024
Tại thời điểm khảo sát lúc 13h30 chiều ngày 10/3/2024, giá vàng hôm nay 10 tháng 3 trên sàn giao dịch của một số công ty như sau:
Giá vàng chiều nay ngày 10/3 (tính đến 13h30) giao dịch ở ngưỡng 79,45 – 82,10 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận giá vàng SJC được nhà vàng niêm yết tại chiều mua vào 79,50 triệu đồng/lượng và chiều bán ra 82,02 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 chiều nay được DOJI được niêm yết ở mức 79,45 triệu đồng/lượng mua vào và 81,95 triệu đồng/lượng bán ra.
Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 80,30 – 81,30 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 79,70 – 81,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 79,65 – 82,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng miếng trong nước 1 tuần vừa qua liên tục ghi nhận kỷ lục mới, với giá vàng SJC chính thức vượt mốc 82 triệu đồng/lượng. Tương tự, vàng nhẫn trơn lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 70 triệu đồng/lượng.
Nên mua vàng miếng hay vàng nhẫn?
Vàng miếng và vàng nhẫn đều mang những đặc điểm phù hợp với việc tích trữ và đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mua vàng nhẫn hay vàng miếng cần phải dựa vào mục đích của từng khách. Tùy từng thời điểm, người dân có thể lựa chọn vàng nhẫn hay vàng miếng để đầu tư. Và vàng miếng hay vàng nhẫn đều có những ưu, nhược điểm riêng.
Về chất lượng: vàng miếng có chất lượng tốt hơn so với vàng nhẫn. Bởi khi khai thác, sản xuất vàng miếng ít bị trộn lẫn nhiều tạp chất. Nó là một miếng vàng đặc ruột, hàm lượng vàng nguyên chất đạt 99.99%.
Về giá cả: Vàng miếng thường có giá cao hơn so với vàng nhẫn nên lợi nhuận thu về khi bán ra cũng cao hơn. Trong khi đó, vàng nhẫn có mức giá thấp hơn so với vàng miếng nhưng bám sát với giá vàng thế giới.
Về tích trữ lâu dài: Vàng miếng có tính ổn định và giá cao hơn nên thích hợp đầu tư dài hạn. Vàng nhẫn có giá trị đầu tư và tích trữ, nhưng thường được lựa chọn trong ngắn hạn hoặc đầu tư lướt sóng.
Về mục đích sử dụng: Vàng miếng thường được sử dụng để tích trữ hoặc làm quà tặng. Còn vàng nhẫn có thể sử dụng linh hoạt, vừa dự trữ vừa làm trang sức.
Về biên độ so với giá thế giới: Vàng miếng có độ chênh lệch rất lớn, có thời điểm mức chênh lên tới 20 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn thường bám sát hơn so với giá vàng thế giới.
Nhà đầu tư đang có xu hướng mua vàng nhẫn hơn là vàng miếng SJC, theo chia sẻ của ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA).
“Theo tôi quan sát, nhiều người đang có hướng bán vàng miếng để chuyển qua vàng nhẫn vì mức độ rủi ro thấp hơn”, ông Khánh nói.
Lý giải hiện tượng này, chuyên gia của Hiệp hội vàng cho rằng nhà đầu tư e ngại vàng miếng hơn do giá của loại vàng này đang có mức độ chênh lệch lớn với giá thế giới, đồng thời mức chênh giữa hai chiều mua - bán quá rộng, gây rủi ro cho người mua.
Giá vàng thế giới trong ngày 9/3 đạt 2.200 USD/ounce, tương đương khoảng 68 triệu đồng/lượng, thấp hơn so với SJC khoảng 14 triệu đồng/lượng trong khi đó giá vàng nhẫn khá sát so với thế giới. Chênh lệch giá mua - bán của vàng SJC (2 triệu đồng/lượng) cũng cao hơn nhiều so với mức vài trăm nghìn của vàng nhẫn.
Bên cạnh đó, theo ông Khánh, việc NHNN đang sửa đổi Nghị định 24 với mục đích đưa giá vàng miếng gần hơn với thế giới cũng gây tâm lý e ngại cho người mua. Bởi vì nếu quy định này được sửa đổi giá vàng miếng có thể giảm mạnh hơn so với giá vàng nhẫn.
“Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng nếu mua cất giữ thì vàng miếng gọn hơn. Ví dụ cất giữ 100 lượng vàng miếng, sẽ gọn hơn rất nhiều so với vàng nhẫn”, ông Khánh nói thêm.
Trước diễn biến tăng mạnh của giá vàng, nhiều chuyên gia cho biết, tâm lý của nhà đầu tư thường là vàng giảm sâu thì ít quan tâm nhưng khi vàng tăng mạnh lại rất để ý hoặc thậm chí xuống tiền mua để lướt sóng kiếm lời.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng khuyến cáo người dân không nên quá kỳ vọng vào việc hưởng lợi khi giá vàng trong nước liên tục tăng cao.
" Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục, không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra ", ông Thịnh nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá mạnh tay mua vàng. Nếu có khả năng tài chính muốn đầu tư vàng vào giai đoạn này thì chỉ nên đầu tư 1/3 số tiền tiết kiệm của mình chứ không nên “bỏ tất cả trứng vào một giỏ".
“Thêm vào đó, đừng thấy giá vàng tăng mà đi vay tiền của người khác để đầu tư vào vàng. Nếu giá vàng giảm trái với dự tính, thì người mua vàng sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính ", TS. Hiếu nói.