Giá nông sản hôm nay 4/2: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng trong tuần qua
Giá cà phê hôm nay tăng hơn 1.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay (4/2), tuần qua nhìn chung tăng, sau đó quay đầu giảm vào cuối tuần. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 1.500 - 1.800 đồng/kg.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 78.000 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum với 78.500 đồng/kg. Có thể thấy, giá cà phê tại các địa phương cùng tăng 1.500 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có giá là 78.800 đồng/kg và 79.200 đồng/kg, lần lượt tăng 1.700 đồng/kg và 1.800 đồng/kg.
Theo báo cáo của USDA, nhập khẩu cà phê của hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều được dự báo tăng trong niên vụ 2023-2024.
USDA dự báo nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, chủ yếu do xuất khẩu mạnh hơn từ Brazil.
Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan không đổi ở mức 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao. Nhập khẩu cà phê của EU chủ yếu là cà phê nhân chưa rang, chiếm khoảng 90% tỷ trọng.
Các nhà cung cấp hàng đầu của khu vực trong niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 9) gồm Brazil (32%), Việt Nam (26%), Uganda (7%) và Honduras (6%).
EU đã nhập khẩu kỷ lục 49,1 triệu bao vào niên vụ 2021-2022, nhưng giảm 2,6 triệu bao trong vụ 2022-2023 do nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh dù được bù đắp phần nào bởi mức tăng từ Việt Nam.
Việc EU nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam và giảm mua từ Brazil, cho thấy các nhà rang xay có xu hướng sử dụng nhiều robusta hơn. Hai quốc gia này chiếm 54 - 58% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của EU trong 10 năm qua, để lại thị phần hạn chế cho các nhà cung cấp khác.
Trong cùng thời gian này, xuất khẩu cà phê của Uganda sang EU tăng 1,2 triệu bao lên tổng cộng 3,4 triệu bao do sản lượng tăng; trong khi Colombia giảm 500.000 bao xuống 1,8 triệu bao do sản lượng giảm.
Tương tự, nhập khẩu cà phê đã rang của EU chỉ đạt 1,4 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, giảm so với mức kỷ lục 2,1 triệu bao của cách đây 4 năm do nhập khẩu từ Thụy Sĩ giảm. Các nhà cung cấp cà phê đã rang hàng đầu vào EU bao gồm Thụy Sĩ (chiếm 77%) và Vương quốc Anh (13%).
Tuy nhiên, nhập khẩu cà phê hòa tan của EU tăng 300.000 bao lên 3,7 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Các nhà cung cấp cà phê hòa tan hàng đầu cho EU bao gồm Vương quốc Anh (34%), Việt Nam (12%), Ấn Độ (12%) và Ecuador (10%).
Trong khi nhập khẩu từ Anh gần như không thay đổi ở mức 1,3 triệu bao trong một thập kỷ qua, thì nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam tăng khoảng 300.000 bao, đạt tổng cộng trên 400.000 bao mỗi nước.
Giá tiêu hôm nay tăng nhẹ 500 - 1.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay (4/2), tuần này ghi nhận tăng nhẹ vào giữa tuần, sau đó duy trì ổn định. So với đầu tuần, giá thu mua tại các tỉnh trọng điểm tăng 500 - 1.000 đồng/kg.
Theo khảo sát, mức giá thấp nhất hiện là 80.500 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Gia Lai và Đồng Nai, cùng tăng 500 đồng/kg.
Tiếp theo đó là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với mức tăng 500 đồng/kg, hiện có giá 82.500 đồng/kg.
Tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, hồ tiêu có giá ổn định cùng mức là 83.000 đồng/kg.
Song song đó, giá tiêu tại Bình Phước cũng được điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, lên mức tương ứng là 83.500 đồng/kg.
Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy tính đến hết tháng 11 năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 8.256 tấn hồ tiêu, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu 3.841 tấn hồ tiêu từ Indonesia, giảm 10,9% so với cùng kỳ và chiếm 45,7% thị phần.
Nhập khẩu từ Việt Nam đạt 2.601 tấn, tăng 11,9%, nhưng con số này chỉ bằng 5% so với khối lượng 59.073 tấn được thống kê bởi Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA).
Sở dĩ có sự chênh lệch này là do xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch và không nằm trong thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc. Ngoài Indonesia và Việt Nam, Trung Quốc cũng nhập khẩu một lượng nhỏ tiêu từ Brazil, Malaysia, Ấn Độ…
Hồ tiêu chủ yếu được dùng làm gia vị và trong công nghiệp thực phẩm là sản phẩm được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi tại nhiều địa phương nước này.
Một số địa phương ở Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam có thể kể đến như Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc và một số tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc.
Trong năm 2024, nhu cầu sử dụng hồ tiêu tại Trung Quốc được cho là vẫn ở mức cao do thói quen tiêu dùng.
Ngoài ra, du lịch nội địa phục hồi mạnh cũng kéo theo nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ ăn uống gia tăng.
Bên cạnh đó, mùa đông năm nay lạnh và kéo dài khiến nhiều người dân hướng đến sử dụng các món ăn cay, nóng như lẩu, nướng..., trong đó hồ tiêu là một trong những gia vị không thể thiếu, theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).