Vì sao sầu riêng Việt Nam "hụt hơi" ở thị trường Trung Quốc?
Sầu riêng mất "ngôi vương" xuất khẩu, đâu là nguyên nhân? Xuất khẩu sầu riêng tiếp tục gặp khó, nhà vườn lao đao Nỗi lo "sầu riêng" thành "sầu chung" đang hiện hữu |
![]() |
Vì sao sầu riêng Việt Nam "hụt hơi" ở thị trường Trung Quốc? |
Sầu riêng Việt bị Thái Lan vượt mặt tại Trung Quốc
Theo thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, hai tháng đầu năm nay, quốc gia này chi hơn 120 triệu USD để nhập khẩu 22.980 tấn sầu riêng nguyên quả, giảm mạnh 56,8% về lượng và giảm 57,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines là 4 nhà cung cấp sầu riêng chính cho thị trường Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam và Thái Lan.
Tuy nhiên, thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2025 đã giảm mạnh xuống còn 37%, so với mức 61,7% cùng kỳ năm trước - thời điểm Việt Nam vươn lên trở thành nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường này.
Ngược lại, Thái Lan đã gia tăng thị phần đáng kể, từ 36,9% lên 62,3%, vượt Việt Nam để giành lại vị thế dẫn đầu.
Nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng của cả Thái Lan và Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do yêu cầu kiểm tra chất lượng từ Trung Quốc, đặc biệt là với kim loại nặng và chất vàng O.
Hơn nữa, thời gian qua, sầu riêng của Việt Nam cũng nhận được những cảnh báo về gian lận mã số vùng trồng, không tuân thủ kiểm dịch thực vật và vấn đề an toàn thực phẩm từ cơ quan hải quan Trung Quốc.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã buộc phải tạm ngưng xuất khẩu để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, do Trung Quốc yêu cầu kiểm tra 100% các lô hàng nhập khẩu liên quan đến chất vàng O.
Hệ quả là giá sầu riêng trong nước giảm sâu. Hiện giá thu mua tại vườn cho các giống sầu riêng Ri6 và Monthong chỉ còn 35.000-120.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, vào cùng thời điểm nghịch vụ năm ngoái, giá sầu riêng có thời điểm chạm ngưỡng gần 200.000 đồng/kg - mức cao kỷ lục.
Tính đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đã tăng lên khoảng 169.000ha, sản lượng dự kiến đạt 1,55 triệu tấn. Ngoài tiêu thụ nội địa, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đáng chú ý, thị trường sầu riêng tại Trung Quốc đang tăng trưởng ổn định và được dự báo sẽ sớm đạt quy mô 10 tỷ USD. Quốc gia này hiện tiêu thụ khoảng 91% tổng lượng sầu riêng toàn cầu, với nguồn cung chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm thêm nguồn cung mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.
Lào hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp sầu riêng quan trọng cho thị trường Trung Quốc
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến. |
Lào vừa đưa ra những chiến lược quốc gia để hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp sầu riêng quan trọng cho thị trường Trung Quốc. Cụ thể, tỉnh Attapeu của Lào đã chính thức cấp quyền khai thác đất cho ba công ty trong nước để trồng sầu riêng trên diện tích hơn 273 ha, thời hạn 30 năm.
Chuyên gia đánh giá, để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Lào là nước có lợi thế lớn về logistics. Tuyến đường sắt Viêng Chăn - Côn Minh có thể giúp các container rút ngắn thời gian vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Lào xuất khẩu sang Trung Quốc.
Với sản lượng lên tới 1,83 triệu tấn mỗi năm, Indonesia hiện là một trong những quốc gia sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới. Theo Bangkok Post, Indonesia đang mở rộng canh tác và hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuẩn bị bắt đầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Theo đó, cơ quan hải quan Trung Quốc đã hoàn tất việc kiểm tra các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Indonesia. Ngành sầu riêng Indonesia hiện đang tập trung giải quyết các vấn đề về logistics để chuẩn bị cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc.
Một công ty xuất khẩu sầu riêng cho biết việc vận chuyển sầu riêng trực tiếp từ cảng Pantoloan ở tỉnh Trung Sulawesi đến Trung Quốc có thể rút ngắn từ một tháng xuống còn một tuần, đồng thời có khả năng cắt giảm một nửa chi phí vận chuyển.
Ngoài sự cạnh tranh của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, sầu riêng nội địa cũng cố gắng giành được "miếng bánh". Thời gian gần đây, sầu riêng nội địa lác đác xuất hiện trên các kệ hàng tại Trung Quốc khiến cho các nhà đầu tư “sôi sục”. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu trồng những trang trại sầu riêng trải dài tít tắp tại Hải Nam và các tỉnh biên giới phía Nam như Vân Nam, Quảng Tây.
Theo SCMP, hàng loạt ông chủ từ các ngành công nghiệp khác - từ chủ mỏ ở Sơn Tây đến đại gia sản xuất ở Quảng Đông - đều đổ tiền vào trồng sầu riêng. Ông Michael Wang - người nổi tiếng trên mạng xã hội với biệt danh Maikou Wang - cho biết năm ngoái ông đã tiếp đón hơn 800 lượt nhà đầu tư muốn tham gia vào lĩnh vực trồng sầu riêng.
Từng bị xem là “vùng đất chết”, không dành cho cây sầu riêng do khí hậu khắc nghiệt và gió mùa thất thường, Hải Nam giờ đây là biểu tượng cho sự liều lĩnh và bền bỉ. Những người trồng sầu riêng ở Trung Quốc quyết tâm tập trung vào chất lượng để đáp ứng nhu cầu lớn trong nước.
Về tình hình hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhận định: “Sầu riêng là cây trồng chủ lực, có rất nhiều lợi thế với Việt Nam, đồng thời đem lại giá trị lớn trong xuất khẩu. Mới đây, mặt hàng sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, chúng ta cần phải làm thật nghiêm túc và bài bản để duy trì đà tăng trưởng cho ngành hàng quan trọng này”.
Ông cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp đang hoạt động thiếu chuẩn chỉ cần phải nhanh chóng chấn chỉnh để giữ vững thị phần tại thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo cho nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp xuất khẩu: khi nguồn cung sầu riêng vào Trung Quốc liên tục mở rộng, nếu không kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng, thì “sầu riêng” có nguy cơ trở thành “sầu chung” - kéo theo hệ lụy không chỉ cho một vài đơn vị, mà cho cả ngành hàng.
![]() |
![]() |
![]() |
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Ford Everest Sport phiên bản đặc biệt chính thức ra mắt tại Việt Nam

Giá heo hơi giảm nhiệt trước kỳ nghỉ lễ

Giá tiêu chốt tuần giảm nhẹ, kỳ vọng khởi sắc sau 30/4

Lượng cà phê còn trong tay nông dân rất hạn chế

Thị trường hồ tiêu hiện đang giằng co giữa cung và cầu

Giá heo hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg tại miền Nam

Giá cà phê trong nước bất ngờ giảm mạnh

Áo cờ đỏ, sao vàng hút khách dịp lễ 30/4

Giá cà phê Arabica cao nhất trong 7 tuần
