Vì sao nhiều ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng?
Vào đầu tháng 5/2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng, tăng từ 44.667 tỷ đồng lên tối đa 51.367 tỷ đồng cho Ngân hàng Á Châu (ACB) thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Cụ thể, ACB dự kiến phát hành gần 670 triệu cổ phần mới, tương ứng tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếusẽ nhận thêm 15 cổ phiếu mới). Kế hoạch này đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025 thông qua và dự kiến triển khai trong quý III/2025.
Tương tự, NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 4.249 tỷ đồng, nâng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên khoảng 34.040 tỷ đồng cho ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) thông qua hai phương án phát hành cổ phiếu. VIB dự kiến phát hành 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 14%) và 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên (tỷ lệ 0,26%).
![]() |
Nhiều ngân hàng chủ động tăng vốn, tạo đà phát triển bền vững. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ACB và VIB, nhiều ngân hàng khác cũng đang rốt ráo thực hiện kế hoạch tăng vốn. Ngân hàng Quân đội (MB) đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm gần 19.726 tỷ đồng, đưa tổng vốn điều lệ lên 81.368 tỷ đồng. Ngân hàng Phương Đông (OCB) đặt mục tiêu tăng vốn lên 26.631 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm khoảng 5.300 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 40.657 tỷ đồng lên gần 45.942 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cũng đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.500 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Phương án này đã được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của NCB thông qua vào cuối tháng 3/2025.
Theo đó, NCB sẽ phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.500 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến triển khai phương án chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ từ quý II - IV/2025. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 11.780 tỷ đồng hiện tại lên 19.280 tỷ đồng. Đây là lần tăng vốn thứ 3 trong vòng 4 năm liên tiếp (2022 - 2025) của NCB.
Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 5.200 tỷ đồng thông qua phát hành 520 triệu cổ phiếu trả cổ tức, đưa vốn điều lệ từ 26.000 tỷ đồng lên 31.200 tỷ đồng. Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) lên kế hoạch phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 5%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm khoảng 1.320,9 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, tính đến cuối năm 2024, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng trong nước (gồm Agribank và 27 ngân hàng thương mại) là hơn 823.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cuối năm 2023. Trong năm 2024, có tới 20 trên 28 ngân hàng thực hiện và được chấp thuận tăng vốn điều lệ.
Tạo nguồn lực để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ không chỉ giúp các ngân hàng đáp ứng quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR) mà còn tạo nguồn lực để mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang bị siết chặt theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ... và đặc biệt là cải thiện hệ CAR. Dự báo năm 2025 sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức cho ngành ngân hàng khi rủi ro nợ xấu sẽ có xu hướng gia tăng.
Vốn điều lệ vì thế đóng vai trò quan trọng như một “bộ đệm”, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng đối phó với những thách thức và biến động trong môi trường kinh tế không ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
![]() |
Tăng vốn điều lệ tạo nguồn lực để mở rộng hoạt động kinh doanh, đảm bảo phát triển bền vững. |
Đặc biệt mới đây, NHNN vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng (Điều 138), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Luật cũng nêu rõ, Thống đốc NHNN quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định đối với từng loại hình tổ chức tín dụng. Dự thảo thông tư được xây dựng theo hướng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% (bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033), trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%.
Tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%. Theo đó, Dự thảo quy định giao quyền cho Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ trong trường hợp cần thiết và chưa đưa ra yêu cầu cụ thể đối với tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ. Tỷ lệ này nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế. Đồng thời, tỷ lệ này cũng linh hoạt trong từng thời kỳ do NHNN quyết định với mức dao động trong khoảng 0 - 2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu

Việt Nam tiên phong phát triển lúa gạo phát thải thấp: Động lực mới cho nông nghiệp xanh

Đề xuất trao quyền cho vay đặc biệt 0% lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước

Lãi suất thấp: Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Sẽ xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Đề xuất phạt đến 200 triệu đồng với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng

TP.HCM thí điểm mô hình mới trong phát triển nhà ở thương mại

Từ ngày 1/7, thẻ ATM dải từ bị “khai tử” trên toàn quốc

Chuẩn bị ban hành Thông tư mới về xuất khẩu gạo: Bỏ điều 26 Thông tư 42
