Lãi suất ngân hàng biến động trái chiều - Chuyên gia dự báo xu hướng lãi suất cuối năm
Lãi suất biến động trái chiều
Theo thống kê từ Ngâ hàng nhà nước, một số ngân hàng vẫn tiếp tục giảm lãi suất huy động trong tháng 7. Trong đó, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) giảm 0,1%/năm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn và hình thức tiền gửi, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) giảm 0,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với tiền gửi tại quầy từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng, còn Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank) giảm từ 0,15 đến 0,2%/năm ở các kỳ hạn 6-13 tháng.
![]() |
Lãi suất ngân hàng biến động trái chiều. (Ảnh minh họa) |
Trước đó, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) giảm lãi suất 0,2%/năm kỳ hạn 18-60 tháng cho hình thức gửi trực tuyến và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng giảm 0,1%/năm tùy kỳ hạn…
Song, bảng lãi suất niêm yết mới nhất tại một số ngân hàng vẫn ghi nhận biến động tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 đến 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) điều chỉnh tăng 0,1%/năm lãi suất với toàn bộ tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng, Baoviet Bank tăng 0,1%/năm với kỳ hạn 1-2 tháng, còn Ngân hàng TMCP Kỹ thuật Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất từ 0,1 đến 0,2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đẩy mạnh chính sách cộng thêm lãi suất khi khách hàng gửi tiền trực tuyến. Đơn cử như Techcombank, lãi suất tiết kiệm cũng cộng thêm tới 1%/năm cho khách hàng gửi online từ 100 triệu đồng tại các kỳ hạn 3, 6 và 12 tháng. Tương tự, Ngâ hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đang ưu đãi cộng thêm đến 0,5%/năm cho khách gửi từ 100 triệu đồng với kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng.
Đáng chú ý, một số ngân hàng tiếp tục áp dụng mức lãi suất đặc biệt đối với các gói tiền gửi “siêu lớn”. Cụ thể, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) hiện dẫn đầu với mức lãi suất lên tới 9,65%/năm cho khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng áp dụng mức lãi 9%/năm cho khoản gửi từ 2.000 tỷ đồng. Các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Bac A Bank, LPBank... cũng niêm yết lãi suất từ 6 đến hơn 8%/năm cho các khoản gửi giá trị lớn.
Dự báo xu hướng lãi suất cuối năm?
Nhận định về diễn biến lãi suất huy động trong thời gian tới, Công ty chứng khoán MBS cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu ổn định, nhưng đây chưa phải là mức thấp nhất và vẫn còn dư địa để giảm thêm trong quý 3.
Cơ sở của nhận định này là, tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh kể từ tháng 4, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định và gần đây thậm chí còn cho thấy xu hướng giảm rõ rệt. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống tương đối ổn định, và tình trạng thiếu hụt thanh khoản vào cuối quý 2 chỉ mang tính chất mùa vụ... Tuy nhiên, đến quý 4, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ khi tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng tăng mạnh về cuối năm. Dựa vào các yếu tố trên, Công ty chứng khoán MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ dao động quanh mức 4,7%năm.
Theo kết quả cuộc điều tra "Xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2025" do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng ước tính, mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II/2025, đặc biệt là lãi suất cho vay. Với diễn biến trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND cuối năm nay về cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.
Trái ngược với những nhận định trên, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng lãi suất huy động có xu hướng tăng lên và tiền gửi vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, khi ngân hàng cần huy động thêm nguồn vốn phục vụ nhu cầu tín dụng cuối năm. Cũng theo ông Hiếu, lãi suất huy động đang áp dụng chưa phải là cao nhưng lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn liên tục thiết lập kỷ lục, cho thấy sức hấp dẫn của kênh này so với chứng khoán, vàng hay bất động sản.
Còn theo PGS.TS Lê Đức Hoàng, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động sẽ có xu thế tăng nhẹ, do: Áp lực tỷ giá VND/USD tăng, tiền đồng có thể bị hụt hơi so với tiền USD, các NHTM phải tạo sức hút đối với người gửi tiền bằng cách tăng lãi suất.nnTín dụng có mức độ tăng trưởng mạnh, đặc biệt đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hơn 8%/năm, do vậy để có 1 nguồn vốn duy trì ổn định, các NHTM sẽ có xu thế tăng lãi suất huy động.
Một số ngành nghề có sức hút lớn về vốn như bất động sản, sản xuất kinh doanh, thương mại có thể gây áp lực tới lãi suất huy động của các NHTM. Để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, các NHTM sẽ phải điều chỉnh tăng lãi suất.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới khi NHNN tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Với lãi suất cho vay, VCBS dự báo sẽ duy trì ở ngưỡng thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Mặc dù vậy, biến động của lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng yếu có thể vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thậm chí phải chấp nhận một mức lãi suất cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Sơn Hà và FPT bắt tay chiến lược xây dựng hệ sinh thái công nghiệp số xanh

Tất cả kênh đầu tư cùng tăng: Nhà đầu tư cá nhân nên chọn đường nào?

Tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, thuốc lá từ năm 2026

Thép cuộn Việt Nam được loại trừ khỏi áp thuế tự vệ tạm thời tại Nam Phi

Chuyên gia VPBank CommCredit cùng hộ kinh doanh gỡ khó Nghị định 70

Vàng – USD – Chứng khoán: Ba biến số, một tâm lý đầu tư

Những nhóm hàng hóa, dịch vụ nào không được giảm thuế giá trị gia tăng?

Thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm 2025 vượt mốc 1,3 triệu tỷ đồng

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa năm 2025
