Hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phát huy lợi thế sân nhà
Sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại thời điểm hiện nay. |
Ngày 13/8/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) có buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía Nam để bàn về việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Sức mua có chiều hướng tăng chậm lại
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm lại, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Tính chung trong giai đoạn 2021 - 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13 - 13,5%/năm).
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 5% so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chiến lược Thương mại trong nước.
Khảo sát về thị trường bán lẻ, bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại NielsenIQ Việt Nam cho biết, người tiêu dùng đang chịu khó tiết kiệm trong chi tiêu.
Cụ thể, có 68% người tiêu dùng Việt kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 - 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua; có đến 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng như trước kia. Bởi theo người dân, việc mua sắm ngẫu hứng dễ mất kiểm soát trong chi tiêu.
Còn theo một số hiệp hội ngành hàng, nhà bán lẻ lớn tại phía Nam, hiện nay, sức mua hàng hóa trong nước không cao, nguyên nhân là do người dân gặp khó khăn trong thu nhập nên cũng cắt giảm chi tiêu, mua sắm hàng hóa... Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ, ngành hàng đang kỳ vọng các cơ quan nhà nước sẽ có những giải pháp hiệu quả để vừa kích cầu tiêu dùng nội địa, vừa có thể chia sẻ khó khăn với người lao động trong những tháng cuối năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc đối ngoại AEON Việt Nam cho biết, bước sang 2024, thị trường bán lẻ đã dần tăng trưởng trở lại nhưng sức mua không cao. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ khó khăn của năm 2023 và sau khi tìm hiểu sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau dịch COVID-19 của khách hàng, đơn vị đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Theo đó, đơn vị tổ chức chương trình giá tốt mỗi ngày, liên kết với các nhà sản xuất để có sản lượng và giá bán ổn định hơn. Song song đó, đơn vị bổ sung lượng hàng thuộc nhóm sản phẩm organic và sản phẩm liên quan sức khỏe để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu mới của khách hàng; tiếp tục đẩy mạnh kết hợp với nhà sản xuất địa phương làm hàng nhãn riêng để có sản phẩm đa dạng, giá tốt... ngay tại địa phương, từ đó mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng...
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam của Central Retail Việt Nam cho biết, hiện nay người tiêu dùng đang giảm tần suất đi mua sắm tại siêu thị nhưng giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm lại cao hơn. Nắm bắt xu hướng này, công ty đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng khi đi mua sắm. Mặt khác, đơn vị còn đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm các địa phương để mở rộng đầu ra cho hàng hóa các tỉnh, thành nhằm tiết kiệm các chi phí đầu vào cho sản phẩm...
Nhiều giải pháp được đề xuất
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, chủ trì buổi làm việc chiều ngày 13/8, tại TP.HCM. |
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và dịch vụ giai đoạn 2021 đến nay suy giảm sẽ ảnh hưởng tới tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ và GDP chung của cả nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thị trường trong nước cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Do vậy, để tiếp tục duy trì và thúc đấy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới, cơ quan chức năng cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường, …. từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các nhà phân phối lớn thì việc kết nối với nhà sản xuất tại các địa phương hiện nay còn nhiều trở ngại, manh mún, gây khó khăn cho việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, do chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ nên năng lực sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu từ các nhà bán lẻ còn nhiều hạn chế và khó thực hiện; chi phí logistics trong khâu vận chuyển hàng hóa còn cao…
Chính vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị, bên cạnh việc kết nối, các địa phương cần có thêm hỗ trợ với các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp trong khâu vận chuyển hoặc có đơn vị đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP trong tỉnh kết nối, làm việc với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ lớn.
Cũng tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối lớn cũng kiến nghị, các chương trình khuyến mãi được tổ chức tại các địa phương cần được rút ngắn, tập trung, tránh dàn trải để mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc đối ngoại Central Retail cho biết, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp chỉ ở mức tương đương hoặc thấp hơn cùng kỳ năm trước, tháng 7 có xu hướng tăng nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp mong muốn tìm được đối tác phù hợp để thuận lợi kinh doanh, cũng như tìm được nguồn hàng. Đồng thời, doanh nghiệp mong Nhà nước hỗ trợ về chính sách để hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn.
Còn ông Hà Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), đề xuất trong lúc thị trường biến động, chính sách của trung ương nên có độ trễ lại một chút để doanh nghiệp kịp thích ứng. Ví dụ giá thuê mặt bằng (chính sách về giá đất) làm tăng giá ảnh hưởng đến phí thuê nhà của doanh nghiệp bán lẻ; đề xuất công khai các doanh nghiệp logictis trên trang thông tin của bộ để các doanh nghiệp bán lẻ tự kết nối.
Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất Bộ Công Thương có nhiều chính sách kích thích hàng tiêu dùng trong nước, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước nhiều hơn, có giải pháp tăng cường ngăn chặn hàng giả hàng nhái…
Ngoài ra, Bộ Công thương cần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng bán lẻ, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics, vận chuyển và bảo quản, dịch vụ thanh toán; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam; đa dạng hóa các chủ thể kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường bán lẻ; tăng cường quản lý nhà nước và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, …
Về dài hạn, cần hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về phát triển thương mại trong nước (các chính sách tập trung vào giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân), có như vậy mới kích cầu được tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước.