Hàng Việt - Góp phần phát triển thị trường nội địa
Hàng Việt thích ứng ‘tiêu chuẩn xanh’ của thị trường EU Hàng Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Thái Lan Tăng cường lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” |
Tạo lập được chuỗi kết nối cung-cầu
Một trong những giải pháp cơ bản trong phát triển thị trường trong nước là phải tạo lập được chuỗi kết nối cung-cầu. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ của doanh nghiệp, giúp phục hồi kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng như dự báo, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Hội thảo "Kết nối cung-cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" |
Mới đây, tại Hội thảo "Kết nối cung-cầu: Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức, GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới cho rằng, để xây dựng được kết nối cung-cầu bền vững đòi hỏi Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về mặt bằng sản xuất, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực và công nghệ kỹ thuật.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và hộ gia đình ngang với doanh nghiệp FDI. Đặc biệt nên cân nhắc áp dụng các ưu đãi cho doanh nghiệp FDI khi đầu tư công nghệ cao, hoặc có cam kết chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nỗ lực phấn đấu vươn lên; cần có sự thay đổi trong quản lý nhân sự, tuyển dụng người tài vào làm việc, kết hợp hiện đại hóa cơ chế quản trị, tiếp thu, học hỏi từ doanh nghiệp nước ngoài qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới trong kinh doanh…
Cần kết nối vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp
Để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đề xuất, các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong khâu sản xuất, phân phối hàng hóa, cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường nội địa, tránh biến động giá.
Người dân tìm mua sản phẩm Việt tại các hội chợ, siêu thị. Ảnh: VGP |
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tổ chức lại các điểm bán, điểm mua sắm cho người dân, đẩy mạnh tiếp cận vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm nhanh chóng và tiện lợi nhất.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" qua nhiều năm triển khai thực hiện đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực và triển vọng về tiêu dùng hàng Việt. Thành tựu của cuộc vận động cần tiếp tục lan tỏa và phát huy trong thời gian tới, để hàng hóa Việt Nam không chỉ cung ứng, ưu tiên cho người Việt Nam mà còn được quảng bá đến bạn bè quốc tế.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Panax cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao đến người tiêu dùng, cung cấp những thông tin chính xác về thành phần, chức năng, công dụng,... của sản phẩm.
Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần có giải pháp tăng cường sự kiểm soát chặt chẽ hơn việc quảng cáo, các sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng xã hội phải được cấp phép, đăng ký thương hiệu, tránh gây hoang mang dư luận, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng hàng Việt Nam.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội đề xuất, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách trong hỗ trợ phát triển hạ tầng, hệ thống phân phối, đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ cho vùng sản xuất nông sản, các doanh nghiệp chế biến, logistics, trong đó các cơ chế phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, cần tập trung thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để kích thích tiêu dùng của giới trẻ. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng, hoạch định các cơ chế chính sách hoạch định phát triển vùng, tránh được tình trạng mất cân đối, dư cung và không gây khó khăn cho tiêu dùng, tạo tác động lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển; đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, không gây mất cân đối giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn.
Bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, cần kết nối vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, làm "cầu nối" để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, về phía doanh nghiệp, để người tiêu dùng hài lòng với các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao đòi hỏi doanh nghiệp phải có định hướng kinh doanh, nắm bắt được xu thế của thị trường thế giới, phù hợp với thị hiếu; thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm; nắm chắc tình hình cung - cầu, không sản xuất hàng hóa dư thừa.