Nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất trên 6%, không kèm điều kiện đặc biệt
GPBank áp dụng mức lãi suất 6,25%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. |
Cụ thể, IVB đang áp dụng mức lãi suất 6,2%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, mức 6,05%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 6,05% cho kỳ hạn 13 tháng; GPBank áp dụng mức lãi suất 6,25%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 6,35%/năm đối với các kỳ hạn từ 13-36 tháng.
Cake by VPBank áp dụng lãi suất 6,1% cho kỳ 24 tháng; OceanBank áp dụng lãi suất 6,1% cho kỳ hạn 24 tháng; GPBank áp dụng mức lãi suất 6,05% cho các kỳ hạn từ 13-36 tháng.
BVBank áp dụng lãi suất 6%, kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng; VRB và Dong A Bank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 24 tháng; VietABank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 36 tháng; SaigonBank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 13, 18 và 24 tháng, mức 6,1% cho kỳ hạn 36 tháng; HDBank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 15 tháng và 6,1% cho kỳ hạn 18 tháng; BAOVIET Bank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng.
Eximbank áp dụng lãi suất huy động vào các ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật) kỳ hạn 15 tháng ở mức 6,3%/năm; kỳ hạn từ 18 lên đến 6,4%/năm.
Nhận định trên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho biết, dù lãi suất huy động nhích lên nhưng thị trường không xuất hiện tình trạng thu hút dòng tiền bằng việc chạy đua lãi suất cao như năm trước.
"Gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư để kỳ vọng thu khoản lợi nhuận cao, rủi ro thấp, tức thu lợi nhuận trên đồng tiền thụ động. Lãi suất tiền gửi tiền tại các nước phát triển trên thế giới đều rất thấp, chỉ nhỉnh hơn so với chỉ số lạm phát. Ở Việt Nam, lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối dao động dưới 5%/năm. Đây là mức lãi suất rất hợp lý, chênh lệch với lạm phát khoảng 1%" - TS Hiển nói.
Theo chuyên gia này, người dân quen gửi ngân hàng để vừa an toàn vừa muốn hưởng lãi suất cao nhưng sẽ tạo ra chi phí vốn cho ngành ngân hàng rất cao. Từ đó dẫn tới lãi suất cho vay doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cao.
"Riêng năm 2024 có thể nói là giai đoạn lãi suất ổn định, không phải là nơi tìm kiếm lợi nhuận giúp cho chi phí vốn thông qua cung ứng vốn tín dụng ngân hàng dần trở về mức hợp lý. Đây là điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững" - TS Đinh Thế Hiển nói thêm.
Nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất lên đến 7-9,5% PVcomBank hiện đang dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỉ đồng. Tiếp theo là HDBank với lãi suất đặc biệt khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng. MSB áp dụng lãi suất tiền gửi tại quầy lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1.1.2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỉ đồng. Dong A Bank có lãi suất tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi 200 tỉ đồng trở lên áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm. Nhà băng này cũng áp dụng lãi suất 6,1% đối với kỳ hạn 24 tháng. |