Gỡ vướng pháp lý, tăng nguồn cung: Thị trường bất động sản cần cú hích thực chất
![]() |
Đánh thuế nhà bỏ hoang, đất chậm triển khai: Thị trường bất động sản vào guồng cải cách. Ảnh minh họa (Thu Giang) |
Nguồn cung khởi sắc nhưng vẫn chưa đủ cầu
Chiều 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng và doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản. Cuộc họp tập trung đánh giá kết quả thời gian qua và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để thị trường phục hồi đúng hướng.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2025, thị trường ghi nhận nhiều điểm sáng. Số lượng dự án nhà ở thương mại tăng so với quý IV/2024 và cùng kỳ năm trước: có thêm 14 dự án hoàn thành (hơn 3.800 căn, tăng 40%); 26 dự án được cấp phép mới (gần 16.000 căn, tăng 44%); 59 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (khoảng 20.000 căn, tăng 55%); 994 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô gần 400.000 căn.
Với loại hình dự án đầu tư xây dựng hạ tầng chuyển nhượng nền để người dân tự xây nhà, quý I có 17 dự án hoàn thành với hơn 4.400 lô; 490 dự án đang triển khai (hơn 19.000 lô) và 11 dự án mới được cấp phép (khoảng 3.400 lô).
Lượng giao dịch bất động sản cũng tăng trưởng mạnh. Có hơn 33.000 giao dịch căn hộ, nhà riêng lẻ thành công (tăng 32% so với quý trước), hơn 101.000 giao dịch đất nền (tăng 16%). Mức giá các loại hình tiếp tục có xu hướng tăng, nhưng mức tăng khác nhau theo từng vị trí và thời điểm.
Đặc biệt, chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đã ghi nhận 679 dự án được triển khai với quy mô hơn 623.000 căn. Trong đó, 108 dự án đã hoàn thành (73.000 căn) và 155 dự án khởi công mới (hơn 132.000 căn). Cả nước hiện có 1.300 vị trí quy hoạch hơn 9.700 ha đất cho phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, còn 19 tỉnh chưa triển khai dự án nào, 22 địa phương đứng trước nguy cơ không đạt chỉ tiêu đề ra.
Cần cú hích chính sách để giải phóng dòng chảy thị trường
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi, lũng loạn thị trường bất động sản. |
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, nhiều rào cản vẫn hiện hữu: thiếu nguồn cung, lệch pha phân khúc sản phẩm, pháp lý chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, tình trạng “xin – cho” ở nhiều địa phương còn nặng nề.
Công tác quản lý kinh doanh và môi giới bất động sản còn lỏng lẻo, tình trạng tạo giá ảo, đầu cơ chưa được kiểm soát hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, trong khi dòng tiền trên thị trường có xu hướng bị hút sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, trái phiếu do tác động của lạm phát và tâm lý phòng thủ.
Đáng chú ý, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 256/TB-VPCP ngày 25/5/2025, kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp chuyên đề về thị trường bất động sản. Thông báo nêu rõ: cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, gỡ bỏ độ trễ chính sách, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất đến từng thửa để ngăn chặn đầu cơ, hỗ trợ công tác quản lý thuế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định pháp luật theo hướng tích hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện. Bộ Xây dựng được giao xây dựng hệ thống dữ liệu nhà ở kết nối với dân cư; Bộ Tài chính nghiên cứu chính sách thuế với đất hoang, nhà bỏ trống; Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tăng tín dụng cho nhà ở xã hội, đẩy nhanh giải ngân gói 120.000 tỷ đồng; UBND các tỉnh, thành đẩy mạnh công bố công khai quy hoạch, bảng giá đất, danh mục dự án; tạo quỹ đất sạch, ưu tiên nhà ở xã hội và đẩy nhanh chuyển đổi các công trình không sử dụng sang nhà ở nếu phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi tất cả chủ thể trên thị trường – từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp – phát huy tinh thần trách nhiệm, hành động quyết liệt để khơi thông thị trường. Việc giảm giá nhà ở, tăng khả năng tiếp cận của người dân phải trở thành mục tiêu xuyên suốt, gắn với lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Dù thị trường bất động sản đang dần khởi sắc, nhưng để phục hồi thực chất, cần những hành động cụ thể và đồng bộ từ thể chế, quy hoạch, vốn, thuế đến truyền thông chính sách. Gỡ điểm nghẽn pháp lý, tăng nguồn cung hợp lý và kiểm soát hành vi đầu cơ sẽ là ba mũi đột phá quan trọng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026: Hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng

Tín dụng xanh bứt tốc, tăng trưởng hơn 21%/năm

Vì sao nhiều ngân hàng đồng loạt tăng vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng?

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu

Việt Nam tiên phong phát triển lúa gạo phát thải thấp: Động lực mới cho nông nghiệp xanh

Đề xuất trao quyền cho vay đặc biệt 0% lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước

Lãi suất thấp: Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Sẽ xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Đề xuất phạt đến 200 triệu đồng với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng
