Giá heo hơi được dự báo tăng lên đến 70.000 đồng/kg
Giá heo hơi sẽ biến động khi nhu cầu tiêu thụ cuối năm khởi sắc Giá heo hơi có tín hiệu hồi phục khi vào cao điểm tiêu thụ Giá heo hơi chuyển biến tích cực giai đoạn cuối năm |
Theo khảo sát ngày 6/12, thị trường heo hơi tại khu vực miền Bắc tiếp đà tăng giá tại một số tỉnh, thành phố. Hiện tại, giá heo hơi phía Bắc dao động từ 62.000 - 64.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau phiên sáng nay, Hà Nội và Thái Bình đang giao dịch tại ngưỡng 64.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Trong ghi đó, cùng ghi nhận tăng 1.000 đồng/kg, heo hơi tại Yên Bái, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc có giá 63.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sau khi điều chỉnh lên một giá tại Hà Tĩnh và lên hai giá tại Quảng Bình, heo hơi tại hai tỉnh này đang cùng được thu mua tại giá 62.000 đồng/kg.
Song song với đó, giá heo hơi tại Quảng Ngãi và Bình Định đạt 61.000 đồng/kg sau khi cùng tăng 1.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại trong vùng giữ giá đi ngang trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam ghi nhận duy nhất tỉnh Hậu Giang tăng giá, đạt 62.000 đồng/kg, cùng giá tại TP HCM, Bình Phước, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Bến Tre.
Hiện tại, heo hơi tại khu vực này đang được bán ra với giá từ 61.000 - 64.000 đồng/kg. Trong đó, chỉ còn hai tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh đang bán heo hơi tại mức 61.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Dự báo thị trường vào cao điểm tiêu thụ cuối năm
Giá heo hơi trên cả nước dao động từ 60.000 - 64.000 đồng/kg. Đây là diễn biến đã được dự báo khi thị trường bước vào cao điểm tiêu thụ cuối năm. Một số doanh nghiệp dự báo giá heo hơi có thể tăng đến 68.000 - 70.000 đồng/kg khi cận tết.
Tại Tọa đàm "Giải pháp phát triển chăn nuôi heo hữu cơ, an toàn sinh học góp phần phát triển chăn nuôi bền vững" diễn ra sáng ngày 3/12, ông Đường Công Hoàn, Phó trưởng phòng Môi trường chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh truyền nhiễm việc việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và hữu cơ là hết sức cấp thiết để phát triển bền vững ngành chăn nuôi.
Người chăn nuôi cần chú trọng giảm phát thải, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn để nhằm tăng thêm giá trị gia tăng; tìm kiếm nguồn nguyên liệu khác thay thế nguồn protein thức ăn từ sinh khối vi sinh vật, từ tảo biển, từ côn trùng.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi tăng cường thực hiện chuyển đổi số và truyền thông khuyến nông, chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất chăn nuôi sang tư duy kinh tế chăn nuôi nhằm thúc đẩy quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi gắn với hoạt động du lịch.
Chăn nuôi heo được xác định là ngành chủ lực, quan trọng và đang chuyển dịch dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ.