Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu
Ngày 20/5, tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thẳng thắn nhìn nhận về các nội dung mới. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc luật hóa khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi, tăng cường giám sát trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng quyền góp vốn của viên chức...
Ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp để trục lợiDự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đã được trình Quốc hội, với nhiều nội dung mới nhằm tăng cường minh bạch sở hữu doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro tài chính, thúc đẩy khoa học công nghệ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Một trong những nội dung mới nhận được nhiều sự quan tâm là quy định về chủ sở hữu hưởng lợi.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” đã được đưa vào dự thảo Luật theo hướng khái quát và phù hợp với Luật Phòng, chống rửa tiền cũng như các khuyến nghị của Nhóm đặc nhiệm tài chính (FATF). Việc luật hóa nhằm nâng cao tính minh bạch trong sở hữu doanh nghiệp, ngăn ngừa rửa tiền và trục lợi chính sách.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. |
Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ được lưu giữ tối thiểu 5 năm, đảm bảo phù hợp với yêu cầu quốc tế. Trên thực tế, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hiện nay đã lưu trữ lâu hơn thời hạn này, nên việc thực hiện sẽ không gây khó khăn.
“Việc bổ sung quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp để trục lợi chính sách – như lợi dụng ưu đãi thuế rồi nhanh chóng giải thể. Khi dữ liệu dân cư và định danh cá nhân được kết nối, chúng ta sẽ kiểm soát hiệu quả hơn, đảm bảo công bằng và minh bạch trong hỗ trợ doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về nội dung viên chức được phép góp vốn, tham gia điều hành doanh nghiệp, ông Thắng cho biết dự thảo Luật đề xuất sửa đổi Điều 17 để thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193 của Quốc hội. Theo đó, viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được phép tham gia góp vốn, quản lý doanh nghiệp do đơn vị mình thành lập nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Nội dung này được thiết kế để bổ sung phần còn lại chưa được điều chỉnh trong Luật Khoa học và Công nghệ. Riêng đề xuất mở rộng cho viên chức tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm, bởi hiện chỉ đang được thí điểm trong khuôn khổ Luật Thủ đô.
Phát hành trái phiếu riêng lẻ: Nợ phải trả không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu
Một điểm mới quan trọng trong Dự thảo là quy định về hệ số nợ trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty chưa đại chúng. Cụ thể, mức nợ phải trả không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu.
Mức tỷ lệ không vượt quá 5 lần được đề xuất trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, thành viên thị trường trong quá trình Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nội dung quy định về hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu khi chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng). Đồng thời, Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 96/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản cũng đã có quy định về giới hạn dư nợ vay và huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Theo Bộ Tài chính, giá trị trái phiếu dự kiến phát hành không quá 5 lần vốn chủ sở hữu về cơ bản không ảnh hưởng việc huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ các doanh nghiệp phải cơ cấu lại nợ khi đã chạm mức trần hệ số nợ do bên cạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua phát hành trên thị trường chứng khoán hoặc vay vốn ngân hàng.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, năm 2024 có 13 doanh nghiệp phát hành (không tính các ngân hàng thương mại) có dư nợ vay trên vốn chủ sở hữu tại thời điểm chào bán trái phiếu doanh nghiệp trên 5 lần vốn chủ sở hữu. Do đó, quy định này không ảnh hưởng đến quá nhiều doanh nghiệp và toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định về trách nhiệm của UBND địa phương trong thực hiện kiểm, tra, giám sát doanh nghiệp. Đồng thời, quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thiết lập kết nối, liên thông và chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước...
Hiện, Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết, để ngay khi Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, các nội dung mới đặc biệt là liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi có thể triển khai đồng bộ, không để gián đoạn thực thi. “Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Luật, nhằm đảm bảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch và hiệu quả của nền kinh tế”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Việt Nam tiên phong phát triển lúa gạo phát thải thấp: Động lực mới cho nông nghiệp xanh

Đề xuất trao quyền cho vay đặc biệt 0% lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước

Lãi suất thấp: Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Sẽ xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Đề xuất phạt đến 200 triệu đồng với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng

TP.HCM thí điểm mô hình mới trong phát triển nhà ở thương mại

Từ ngày 1/7, thẻ ATM dải từ bị “khai tử” trên toàn quốc

Chuẩn bị ban hành Thông tư mới về xuất khẩu gạo: Bỏ điều 26 Thông tư 42

Nghị quyết 68: Bệ phóng chiến lược cho thị trường bất động sản bứt phá
