Đề xuất phạt đến 200 triệu đồng với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng
![]() |
Đề xuất phạt đến 200 triệu đồng với hành vi mua bán tài khoản ngân hàng. |
Theo Dự thảo lần 3 của Nghị định, hành vi mua bán, thuê, cho thuê hoặc mượn tài khoản ngân hàng; mua bán thông tin từ 1 đến dưới 10 tài khoản – nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự – sẽ bị phạt từ 100 đến 150 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên từ 150 đến 200 triệu đồng nếu số lượng tài khoản vi phạm từ 10 trở lên.
So với quy định hiện hành, mức phạt đề xuất mới đã tăng gấp 2–4 lần. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các hoạt động mua bán tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để phục vụ cho các đường dây lừa đảo qua mạng đang gia tăng.
Hiện cả nước có gần 183 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và 120 triệu thuê bao di động. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành tổng rà soát toàn bộ hệ thống tài khoản ngân hàng và thuê bao di động nhằm tăng cường quản lý, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Siết chặt quản lý nhân viên ngân hàng, ví điện tử
Dự thảo cũng quy định phạt từ 150 đến 200 triệu đồng đối với nhân viên ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng giấy tờ tùy thân đã hết hạn hoặc giả mạo khi mở và sử dụng tài khoản.
Ngoài ra, hành vi mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh hoặc lợi dụng tài khoản để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, giao dịch khống... sẽ bị xử phạt từ 200 đến 250 triệu đồng, nếu chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với các đơn vị trung gian thanh toán, bao gồm các nhà cung cấp ví điện tử, mức phạt từ 30 đến 50 triệu đồng sẽ được áp dụng khi vi phạm các quy định về an toàn dịch vụ, giám sát giao dịch quốc tế hoặc quản lý hồ sơ khách hàng. Nếu mở, duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh hoặc mua bán, thuê, mượn ví điện tử với số lượng từ 1 đến dưới 10 ví, mức phạt là từ 50 đến 100 triệu đồng.
Trường hợp báo cáo không trung thực về số lượng ví điện tử, số dư hoặc vi phạm khi hợp tác với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người không cư trú tại Việt Nam, mức phạt có thể lên tới 120–150 triệu đồng.
Xử phạt hành vi liên quan đến tiền giả, đại lý thanh toán
Tại Điều 36 của Dự thảo, hành vi phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ, hoặc phát hiện tiền nghi giả mà không tạm giữ sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Hủy hoại tiền Việt Nam trái quy định sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng, trong khi hành vi sao chụp hình ảnh tiền Việt không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Điều 33, nếu tổ chức thực hiện nghiệp vụ đại lý thanh toán không đúng hợp đồng giữa bên giao đại lý và bên nhận làm đại lý, sẽ bị phạt từ 120 đến 150 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định gồm 75 điều, quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử lý và tổ chức thực hiện. Đối tượng áp dụng bao gồm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức liên quan đến hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
![]() |
![]() |
Cùng chuyên mục
Tin khác

Lãi suất cho người trẻ mua nhà xã hội giảm còn 5,9%

Chi tiết các đối tượng không chịu thuế VAT trong Nghị định 181/2025/NĐ-CP

Thị trường bất động sản đón triển vọng mới sau khi sáp nhập tỉnh thành

Xuất hóa đơn điện tử từ 1/7: Ghi địa chỉ mới hay giữ theo giấy đăng ký kinh doanh?

Bộ Tài chính giảm sâu cho 46 loại phí, lệ phí

Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Thêm cơ chế bảo vệ hệ thống và quyền lợi người gửi tiền

Ngân hàng Nhà nước được quyết cho vay đặc biệt, lãi suất 0%/năm

WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động

Tỷ giá USD lập đỉnh mới, vượt mốc 26.300 đồng tại nhiều ngân hàng
