Chuyên gia nói gì về việc Mỹ “giảm đáng kể thuế quan” với hàng hóa Việt Nam?
Tổng thống Donald Trump: Hoa Kỳ sẽ giảm đáng kể thuế đối ứng cho hàng Việt Nam |
![]() |
Theo số liệu từ Hải Quan Việt Nam, nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2025 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. |
Giảm thuế nhưng vẫn còn nhiều ẩn số
Tối 2/7 (giờ Việt Nam), trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ sẽ “giảm đáng kể” thuế đối ứng đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây được xem là diễn biến quan trọng, thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư và các nhà quan sát chính sách thương mại quốc tế.
PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân – nhận định rằng nếu thuế quan được áp dụng theo tỷ lệ nội địa hóa thì đây là một tín hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam. “Nếu hàng hóa có xuất xứ toàn bộ tại Việt Nam được áp mức thuế thấp hơn, sẽ tạo động lực để doanh nghiệp Việt và nhà đầu tư nước ngoài phát triển vùng nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ trong nước”, ông Thế Anh phân tích.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo khả năng các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng chính sách này để đầu tư sản xuất ngay tại Việt Nam nhằm né thuế, thay vì tạo ra giá trị thực sự cho nền kinh tế nội địa. Do đó, chính sách thuế nếu không đi kèm với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ, có thể tạo ra “lỗ hổng” trong thực thi.
TS. Hồ Quốc Tuấn – Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol (Anh) – gọi đây là một “deal tốt”, và dẫn chứng thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tích cực khi cổ phiếu các hãng như Nike tăng mạnh. “Dù cổ phiếu không bật tăng trên 10% như những lần tuyên bố hoãn thuế trước, nhưng việc tăng giá cũng thể hiện niềm tin của thị trường vào kết quả đàm phán với Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Tác động ra sao đến ngành hàng và đầu tư?
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, một trong những kịch bản khả thi là Mỹ sẽ áp dụng mức thuế trung bình khoảng 20% cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, với mức cụ thể tùy thuộc tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu. “Dù cao hơn kỳ vọng ban đầu là 10-15%, mức này vẫn có thể giúp hàng Việt giữ được lợi thế so với Trung Quốc và một số nước trong khu vực”, ông Minh nhận định.
Ông Minh cũng cho rằng, đối với các mặt hàng bị nghi là trung chuyển qua Việt Nam, khả năng bị áp thuế 40% vẫn còn bỏ ngỏ. “Mấu chốt là cách Mỹ định nghĩa hàng trung chuyển và giải pháp của Việt Nam để đàm phán giảm thiểu tác động từ phía bạn”, ông nói.
![]() |
Vào lúc 10h25 sáng 2/7 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng ông vừa có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. |
Trong khi đó, bà Lê Hằng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) – kỳ vọng nếu mức thuế mới phù hợp, xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm có thể duy trì đà tích cực như 6 tháng đầu năm. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường – một đề nghị được Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump.
“Hiện nay Việt Nam vẫn bị áp thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá với tôm và cá tra. Nếu Mỹ chấp nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, khả năng cao là các vụ kiện này sẽ không còn hoặc mức thuế được điều chỉnh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, bà Hằng nhấn mạnh.
Cần tận dụng cơ hội để tăng nội lực và vị thế
Từ góc độ chiến lược, các chuyên gia cho rằng việc Mỹ giảm thuế và xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ mang lại lợi ích lâu dài. “Điều này giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong đàm phán quốc tế, dễ dàng tiếp cận vốn vay quốc tế với chi phí thấp hơn, và được gỡ bỏ rào cản trong nhập khẩu công nghệ cao từ Mỹ”, PGS.TS Phạm Thế Anh đánh giá.
Tuy nhiên, ông Hồ Quốc Tuấn lưu ý: “Việt Nam không nên chọn cách phá giá VND để đối phó với tác động thuế quan. Bài học từ Canada cho thấy nếu dùng biện pháp thuế gián tiếp như đánh thuế dịch vụ số khi đang đàm phán thương mại, sẽ khiến Mỹ ngừng đàm phán ngay. Thay vì vậy, hãy hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí để thích ứng”.
Về thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng phản ứng sẽ không quá lớn. “Tác động từ chính sách thuế thường suy giảm theo thời gian khi nhà đầu tư đã quen với thông tin. Những nhịp điều chỉnh nếu có sẽ là cơ hội mua vào. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần thận trọng với cổ phiếu thuộc ngành bị tác động trực tiếp như dệt may, thủy sản, đồ gỗ và nhóm liên quan đến FDI”, ông nói.
Dù còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng, song thông điệp “giảm đáng kể thuế quan” từ Tổng thống Mỹ đã mở ra kỳ vọng mới cho thương mại Việt – Mỹ. Các chuyên gia đồng thuận rằng đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, việc tận dụng cơ hội này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động từ cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
![]() |
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Lãi suất cho người trẻ mua nhà xã hội giảm còn 5,9%

Chi tiết các đối tượng không chịu thuế VAT trong Nghị định 181/2025/NĐ-CP

Thị trường bất động sản đón triển vọng mới sau khi sáp nhập tỉnh thành

Xuất hóa đơn điện tử từ 1/7: Ghi địa chỉ mới hay giữ theo giấy đăng ký kinh doanh?

Bộ Tài chính giảm sâu cho 46 loại phí, lệ phí

Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Thêm cơ chế bảo vệ hệ thống và quyền lợi người gửi tiền

Ngân hàng Nhà nước được quyết cho vay đặc biệt, lãi suất 0%/năm

WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động

Tỷ giá USD lập đỉnh mới, vượt mốc 26.300 đồng tại nhiều ngân hàng
