Xuất khẩu cá ngừ sang Italy gặp khó
Xuất khẩu cá ngừ sang Italy gặp khó. |
Tính luỹ kế đến ngày 15/12/2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Italy giảm 18% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 30 triệu USD. Với sự sụt giảm này, Italy không còn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italy từ tháng 6 trở lại đây sụt giảm liên tục theo từng tháng. Kim ngạch xuất khẩu từ mức 6 triệu USD trong tháng 6 đã giảm xuống hơn hơn 281 nghìn USD vào tháng 11/2024, và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Nguyễn Hà - Chuyên gia thị trường Cá ngừ VASEP cho biết, hiện Italy đang giảm nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16 giảm mạnh nhất, 50% so với cùng kỳ. Còn các sản phẩm cá ngừ đóng hộp giảm 16%.
Theo các doanh nghiệp, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực đã tạo cơ hội cho các sản phẩm cá ngừ Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Italia.
Được hưởng lợi từ Hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế khi được giảm thuế quan và mở rộng cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí lao động cạnh tranh cùng với sự tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu là những yếu tố quan trọng củng cố vai trò và vị thế của Việt Nam tại thị trường Italy.
Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 19/5/2024, đã khiến cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước bị thiếu hụt ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sang các thị trường.
Hơn thế nữa, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa đến Tết Ất Tỵ 2025 nhưng theo thông tin từ các chi cục thuỷ sản, nhiều tàu cá khai thác cá ngừ vằn tại các tỉnh trọng điểm vẫn nằm bờ chưa biết ngày vươn khơi.
Hiện cá ngừ văn đang có giá rất rẻ, chỉ từ 17.000 - 19.000 đồng/kg khiến các ngư dân không muốn ra khơi. |
Theo phản ánh của các ngư dân, nếu như trước đây chủ vựa mua cá ngừ vằn là 30.000 đồng/kg thì hiện chỉ mua với giá 17.000 - 19.000 đồng/kg. Với mức giá mua này nếu không lỗ tiền dầu thì cũng lỗ tiền công, nên các chủ tàu quyết định cho tàu nằm bờ.
Theo quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, cá ngừ vằn có chiều dài nhỏ nhất được phép khai thác là 50cm, mà sản lượng khai thác của ngư dân chủ yếu là các loại cá ngừ dưới 2kg/con và kích thước từ 30cm trở lại, trong khi đó sản lượng cá có thể đáp ứng kích thước tối thiểu như nghị định 37 chỉ chiếm khoảng 10% dẫn đến việc cá đánh bắt về không đạt chuẩn nên doanh nghiệp không thu mua.
Theo bà Nguyễn Hà tình trạng này đang khiến cho các ngư dân gặp khó khăn, đồng thời cũng sẽ khiến cho các doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu có xuất xứ thuần tuý được hưởng ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong Hiệp định EVFTA. Do đó, dự kiến là xuất khẩu loin cá ngừ hấp đông lạnh và cá ngừ đóng hộp của Việt Nam không chỉ sang Italy mà sang các thị trường khác trong những tháng đầu năm 2025 sẽ khó có thể giữ được mức tăng trưởng.