Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh thời Covid-19, thực trạng và giải pháp”
Tham dự tọa đàm có đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Lãnh đạo VBA, Tạp chí Đồ uống Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia thương hiệu, chuyên gia marketing online, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng Thị trường của các doanh nghiệp trong ngành Đồ uống, đại diện một số cơ quan báo chí, đại diện người tiêu dùng…
Tác động của dịch Covid-19 đến ngành đồ uống
Phát biểu mở đầu buổi Tọa đàm trực tuyến, ông Nguyễn Văn Chương – Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho biết: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành Đồ uống nói riêng. Đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố, nhà hàng bia, quán ăn… phải tạm dừng hoạt động.
Ở miền Nam, có một số địa phương thuộc tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh,…. thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Ở Hà Nội, hàng ngày vẫn có ca nhiễm mới ở khu cách ly. Thông thường mùa hè là thời điểm tiêu thụ chính của các sản phẩm đồ uống, nay do dịch bệnh nên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành và các nhà hàng gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, người lao động ở các nhà hàng bia bị mất việc làm, ảnh hưởng lớn tới đời sống của người lao động ở các dịch vụ liên quan...
Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh thời Covid-19, thực trạng và giải pháp” |
Trước bối cảnh đó, Tạp chí Đồ uống Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kinh doanh thời Covid – 19, thực trạng và giải pháp” nhằm ghi nhận những khó khăn của các doanh nghiệp, nhà hàng kinh doanh đồ uống, đồng thời tìm ra các giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thông qua những chia sẻ của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn thương hiệu, chuyên gia marketing online và đại diện cơ quan quản lý, từ đó có chiến lược kinh doanh cho phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn.
Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh thời Covid-19, thực trạng và giải pháp” với mục tiêu lắng nghe những ý kiến của các doanh nghiệp, nhà hàng phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh và những khó khăn, tác động và đề xuất phải pháp giải quyết khó khăn tại doanh nghiệp và địa phương. Ngoài ra, Tọa đàm đã được nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia thương hiệu, chuyên gia Marketing online… chia sẻ nhiều giải pháp giải quyết khó khăn, phát triển thương hiệu để doanh nghiệp có thể áp dụng tại doanh nghiệp mình.
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến, ông Dương Như Quang – Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà (Ninh Bình) cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Luật Phòng, chống tác động của rượu, bia, thực trạng kinh doanh đồ uống nói chung và bia, rượu nói riêng từ năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của các nhà phân phối và đại lý kinh doanh đồ uống giảm lớn toàn khu vực và các tỉnh, thành.
Ninh Bình là tỉnh phát triển du lịch rất ấn tượng, doanh thu đồ uống trong những năm chưa có dịch Covid - 19 và Nghị định 100 đạt giá trị cao. Tuy nhiên từ khi có dịch bệnh và tác động của một số quy định hạn chế đồ uống có cồn đã ảnh hưởng lớn tới doanh thu của các đơn vị kinh doanh đồ uống. Do dịch bệnh nên các nhà hàng, khách sạn, điểm bán ở một số tỉnh, thành phải tạm dừng hoạt động, do vậy doanh thu bán hàng 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước giảm 39%, lợi nhuận giảm trên 10%. Để duy trì hệ thống bán hàng, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động, không làm đứt gãy hệ thống bán hàng của doanh nghiệp, đơn vị đã đề ra các phương án, giải pháp bán hàng tốt nhất, phục vụ kịp thời cho các điểm bán, đảm bảo điều kiện trong phòng chống dịch bệnh, duy trì hệ thống bán hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Công ty TNHH Hải Hả có một số kiến nghị tới các cơ quan, bộ, ngành như sau: Nên tạo điều kiện tốt nhất để giữ ổn định cho ngành Đồ uống nói chung và các nhà máy sản xuất bia, rượu nói riêng phát triển bền vững; nên giảm, giãn, thuế, phí các loại trong thời kỳ dịch Covid-19 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất trong quá trình kinh doanh để góp phần phục hồi kinh tế…
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại HABECO Miền Trung cho biết: Công ty TNHH MTV Thương mại HABECO Miền Trung là công ty con của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Thanh Hóa, hàng năm, Bia Thanh Hóa luôn là đơn vị có đóng góp ngân sách lớn hàng đầu cho tỉnh. Thanh Hóa là tỉnh đông dân, có lợi thế về du lịch biển vì vậy dung lượng tiêu thụ sản phẩm đồ uống rất lớn. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay ngành Đồ uống Việt Nam nói chung và ngành Bia nói riêng chịu tác động kép từ Nghị định 100 và đại dịch Covid -19 khiến cho việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Đồ uống gặp nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, sản lượng tiêu thụ liên tục bị sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến hàng trăm lao động đang làm việc trực tiếp tại Công ty và hàng nghìn lao động gián tiếp tham gia vào công tác bán hàng. Trước tình hình đó, Công ty đã có các giải pháp: Tiến hành sắp xếp lại lao động theo hướng tinh gọn để giảm bớt chi phí và áp dụng phương án bán hàng online. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là Công ty không có nguồn để duy trì hỗ trợ cho các điểm bán hàng (nhà hàng, quán ăn…). Hiện nay có nhiều điểm bán phải dừng hoạt động và không có thu nhập, đa số các điểm bán là hộ kinh doanh cá thể nguồn thu nhập chính từ việc bán hàng (bán sản phẩm đồ uống), vì vậy cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Thứ hai tâm lý của người tiêu dùng do lo sợ mức xử phạt áp dụng tại Nghị định 100 nên cũng hạn chế tiêu dùng.
Trước tình hình đó, Công ty đưa ra một số ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước: Thứ nhất, có chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm đồ uống để có nguồn hỗ trợ cho số lao động và các hộ kinh doanh sản phẩm đồ uống bị dừng hoạt động mà không có nguồn thu nào khác để giúp họ vượt qua đại dịch và cũng giúp các công ty duy trì được hệ thống bán hàng để họ sẵn sàng hoạt động và khôi phục trở lại khi hết dịch.
Thứ hai, xem xét điều chỉnh mức xử phạt nồng độ cồn khi tham gia giao thông phù hợp với điều kiện kinh tế và bối cảnh đất nước.
Doanh nghiệp kiến nghị giãn Nghị định 52 thêm 6 tháng
Ông Huỳnh Văn Dũng – Tổng Giám đốc Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Trung cho biết: Trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19; Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giảm 30 loại thuế, phí; Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ: Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19… góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên để doanh nghiệp phát triển bền vững, nhà nước cần có chính sách để giúp doanh nghiệp ổn định. Đầu tiên cần có nhiều giải pháp hơn quan tâm tới người lao động. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn lớn, không đủ kinh phí trả lương cho người lao động. Nhà nước cũng nên có gói cứu trợ để thông qua Ngân hàng giảm lãi suất các dự án đầu tư, vay ngắn hạn nhằm vực dậy các doanh nghiệp.
Công ty chúng tôi có kiến nghị nên giãn Nghị định 52 thêm 6 tháng nữa, giãn một số loại thuế, phí như thuế đất, giãn nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ngoài ra trong năm 2021, khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn không nên thu 2% kinh phí công đoàn. Về tiêm vaccine cơ bản nhất vẫn biết hiện nay nguồn cung vẫn còn ít thế nhưng các cấp lãnh đạo cũng nên xem xét ưu tiên hơn cho các doanh nghiệp, nhà máy trong các đợt kế tiếp vì đây là thành phần làm ra của cải vật chất cho xã hội, thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, và cũng nên ưu tiên hơn cho đội ngũ lái xe tải, nhân viên bán hàng, những người làm dịch vụ… Để người lao động an tâm làm việc trong tình hình hiện nay, cần ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người lao động vì người lao động là nguồn tạo giá trị vật chất (nhân viên nhà máy, lái xe, người bán hàng,…).
Theo ông Trương Hùng Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Lâm Đồng: Các tỉnh phía Nam chịu tác động lớn từ dịch bệnh. Công nhân trong các khu công nghiệp là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh nên chưa được quan tâm, nhiều nhà máy bia nộp ngân sách lớn ở địa phương nhưng vẫn chưa được phân bổ Vaccine chích ngừa Covid - 19. Vận tải đường dài đang gặp khó vì các địa điểm kiểm dịch đang có hiện tượng “ngăn sông cấm chợ”, bia không được coi là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên bị soát xét khi qua các trạm kiểm soát, các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên người lao động (bốc xếp, VSCN,..) bị ngăn cấm đi lại, không vào các kho chứa hàng được nên việc giải phóng hàng từ xe xuống các kho và từ kho để tỏa đi các điểm bán gặp trở ngại. Tiền thuê đất ở Khu công nghiệp cứ sau chu kỳ 5 năm là một đợt tăng giá, trong khi tình hình dịch bệnh làm cản trở sản xuất kinh doanh cần được địa phương chia sẻ quan tâm tạm dừng việc tăng giá hay chỉ tăng một tỷ lệ nào đó; các yêu cầu test nhanh kiểm dịch tìm Virus covid – 19 có thời hạn ở các địa phương là khác nhau 1, 3, 5 ngày và thậm chí là 7 ngày chưa thống nhất cũng làm cho việc vận chuyển khá khó khăn và tốn kém thêm chi phí do chờ đợi qua trạm, xe kẹt kéo dài hàng cây số…
Trước tình hình hiện nay, các doanh nghiệp mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ có doanh nghiệp giảm chỉ còn 50% so với lúc trước khi có dịch, doanh nghiệp chịu gánh nặng lớn về các khoản thuế, phí nên mong muốn nhà nước có chính sách giảm tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp để hồi sức cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp phải chuẩn bị tinh thần vì đại dịch còn kéo dài
Trong khuôn khổ tọa đàm, TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế đã có những ý kiến thiết thực về các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo TS Lê Đăng Doanh, doanh nghiệp phải chuẩn bị tinh thần vì đại dịch còn kéo dài, ưu tiên việc tiêm vaccxin cho người lao động, đặc biệt là các lao động có chuyên môn cao, phối hợp với tổ chức công đoàn có giải pháp giúp đỡ người lao động. Tổng hợp các ý kiến có văn bản gửi lên Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm miễn giảm thuế, giãn nợ, giãn khoản trả nợ cho các doanh nghiệp.
Cần duy trì hợp tác với chính quyền địa phượng để tạo điều kiện cho các hộ gia đình có điều kiện phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Khắc phục tình hình “ngăn sống cấm chợ” tại một số địa phương hiện nay để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cần phối hợp, đoàn kết, giúp đỡ nhau, duy trì lực lượng lao động nòng cốt để cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay.
Tại tọa đàm trực tuyến, Chuyên gia tư vấn chiến lược thương hiệu Đặng Thanh Vân đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp có thể áp dụng trong tình hình hiện nay như:
Hiệp hội và các doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát cùng với các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động xây dựng chương trình truyền thông đại chúng tổng thể, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính là: Thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng đối với ngành đồ uống chuyển dịch sang hành vi mua sắm online và nêu bật niềm tự hào về việc ngành đã đóng góp nguồn thu ngân sách nộp thuế chiếm tỷ lệ lớn, tạo nên sự thay đổi cho đời sống của người lao động ở tất cả các địa phương.
Năng lực tự điều chỉnh ứng phó với sự thay đổi: đây không còn là giai đoạn đầu Covid, chúng ta đã trải qua 4 lần Covid, các kế hoạch điều chỉnh, cắt giảm đã thực hiện trong suốt 2020-2021.
Kinh doanh online và phối hợp với các nền tảng Online triển khai kênh thương mại điện tử + affiliate marketing.
Các nền tảng thương mại điện tử lớn rất sẵn lòng, tích cực hợp tác và sẽ chủ động xây dựng các chương trình phối hợp với doanh nghiệp giúp đẩy mạnh thương hiệu của doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử.
Đa nhiệm trong kinh doanh của Lãnh đạo. Ngay cả Chủ tịch các tập đoàn lớn trên thế giới như Alibaba, Amazon, Virgin... cũng đã sử dụng nền tảng mạng xã hội để trực tiếp kêu gọi người lao động mua hàng. Tại Việt Nam anh Trần Đức Tài, chủ tịch Thế giới Di động cũng đã thực hiện Livestream bán hàng đạt được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng. Marketing 4.0, 5.0 cũng đều nhấn mạnh "xây tương tác cộng đồng là xu hướng tất yếu".
Tập trung cho văn hoá doanh nghiệp và phát triển động lực doanh nghiệp: Tăng đào tạo và chương trình thúc đẩy động lực NLĐ nội bộ. Đặc biệt là vấn đề tinh thần của người lao động và vai trò lãnh đạo làm gương.
Các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ sức khoẻ và đời sống cho người lao động tại địa phương và người lao động của doanh nghiệp mình và thể hiện vị thế, vai trò của một doanh nghiệp tiêu biểu có hành động tích cực trong cộng đồng.
Xây dựng được các kịch bản, ứng phó đối dịch bệnh
Ông Vũ Đức Nam – Phó phòng Công nghiệp thực phẩm (Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương) cho biết, Ngành sản xuất kinh tế Đồ uống là một ngành ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Cơ cấu dân số trẻ, với tốc độ GDP trung bình 10 năm qua tăng trưởng 6%, là một thị trường tiềm năng.
Từ năm 2016-2020, ngành Đồ uống đã có nhiều phát triển mạnh mẽ, tăng bình quân của ngành là 5.8%. Tuy nhiên từ năm 2020, Ngành gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm do tác động của dịch Covid-19 và chính sách liên quan. Tuy nhiên việc kiểm soát tốt dịch bệnh vừa qua, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của ngành trong năm 2021 đã có sự khởi sắc 2 quý 1, 12.9%, quý 2 trên 6%
Không bị đứt gáy nguồn cung, nhưng bị bị ảnh hưởng đứt gãy chuỗi tiêu thụ: vì phụ thuộc vào dịch vụ và du lịch
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và Cục Công nghiệp đã có phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương.
Trong thời gian tới doanh nghiệp cần xây dựng được các kịch bản, ứng phó đối dịch bệnh,…cơ sở sản xuất, khu công nghiệp lên bản đồ chung sống với Covid-19, tăng cường các hình thức kinh doanh trực tuyến hay thương mại điện tử, năng động chuyển đổi sản phẩm theo xu hướng, phù hợp với tình hình hiện nay.
Hiệp hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, phát huy vai trò cầu nối, có những kiến nghị, phản ánh kịp thời gửi tới các cơ quan chức năng và Chính phủ để có các chính sách điều chỉnh phù hợp, hiệu quả.
Các cơ quan nhà nước cần có ý kiến tới các địa phương để hạn chế tình trạng tình trạng ngăn sông cấm chợ thái quá như hiện nay.
Cục Công nghiệp sẽ lắng nghe, đề xuất và báo cáo cơ quan có thẩm quyền, để xuất các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì phục vụ sản xuất.